Trả lời câu hỏi của BizLIVE về quan ngại tỷ giá USD/VND sẽ biến động vượt mục tiêu và mong muốn của Ngân hàng Nhà nước do những tác động tiêu cực của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang leo thang, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phân tích của Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank - VCBF cho biết, nhìn vào lịch sử điều hành chính sách mấy năm qua, VCBF khá tự tin vào khả năng điều hành nền kinh tế nói chung và trong việc tiếp tục ổn định tỷ giá nói riêng của Chính phủ.
Việt Nam là một nền kinh tế có độ mở rất cao, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2017 đạt gần 455 tỷ USD. Các biến động mạnh trên thị trường thế giới, đặc biệt là thị trường Mỹ và Trung Quốc, vốn là hai trong số các thị trường xuất nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam đều có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam.
Trong mỗi biến động như vậy, VCBF tin rằng Chính phủ luôn có những tính toán và cân nhắc cẩn trọng trong điều hành vĩ mô, bao gồm cả vấn đề tỷ giá để đảm bảo tính ổn định và tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Các chính sách liên quan đến tỷ giá của Chính phủ được hỗ trợ tích cực bởi mức dự trữ ngoại tệ cao (ước tính khoảng 62-63 tỷ USD) và đặc biệt là cán cân thanh toán tiếp tục được cải thiện theo hướng tích cực.
Cán cân thanh toán cải thiện nhờ thặng dư thương mại hàng hóa đang trong chiều hướng tăng, với giá trị 8 tháng 2018 đạt 2,8 tỷ USD so với nhập siêu 2,13 tỷ USD trong 8 tháng 2017; thâm hụt dịch vụ trong chiều hướng giảm, nhờ ngành du lịch tăng trưởng cao.
Hơn nữa, vốn đầu tư trực tiếp (FDI) giải ngân tiếp tục duy trì tăng trưởng ở mức cao, 8 tháng đạt 11,25 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ 2017; trong khi tổng vốn FDI đăng ký (cấp mới và tăng thêm) cũng đạt 24,35 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ 2017.
Nguồn kiều hối tiếp tục dồi dào, 7 tháng 2018 đạt 2,9 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Chính phủ tiếp tục lộ trình thoái vốn nhà nước và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, giúp thu hút nguồn vốn đầu tư gián tiếp (FII).
Thêm vào đó, mặc dù tác động của căng thẳng thương mại đến nền kinh tế Việt Nam chưa thể lượng hóa được trong thời gian này, có khá nhiều quan điểm cho rằng về dài hạn Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhờ sự dịch chuyển sản xuất cũng như nguồn hàng nhập khẩu vào Mỹ từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Các tổ chức quốc tế uy tín cũng tiếp tục duy trì dự báo tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam, với mức tăng trưởng trung bình trên 6% trong 3-5 năm tới, giúp hỗ trợ việc thu hút nguồn vốn FDI và FII trong tương lai.