Tỷ giá tại các ngân hàng thời gian gần đây liên tục có những đợt tăng giữa lúc dự trữ ngoại hối quốc gia tiếp tục lập kỷ lục mới 63 tỷ USD. Theo ông nguyên nhân do đâu?
Trước hết, phải khẳng định tỷ giá USD/VND tăng, giảm trong những ngày qua là bình thường trong nền kinh tế thị trường. Trên cơ sở đó tỷ giá điều hành của NHTW cũng điều chỉnh tăng, giảm theo tín hiệu của thị trường và vẫn nằm trong phạm vi kiểm soát theo mục tiêu và định hướng điều hành chính sách tiền tệ trong năm 2018. Cụ thể, mức độ tăng giảm của tỷ giá trung tâm thời gian vừa qua chỉ trong phạm vi hẹp, dao động từ 5-10 đồng/USD.
Theo đó, đồng đôla Mỹ trên thị trường thế giới tăng giá khá mạnh trong thời gian qua. Nguyên nhân một phần chênh lệch lợi suất giữa Mỹ và nhiều nền kinh tế lớn khác ngày càng nới rộng khi lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ tăng mạnh, cộng thêm kỳ vọng Fed sẽ tăng tiếp lãi suất tại cuộc họp diễn ra vào tháng 6 này. Bên cạnh đó, sự sụt giảm của đồng euro và bảng Anh do những bất ổn chính trị tại châu Âu cũng hỗ trợ thêm cho đồng USD.
Trong khi Việt Nam hiện đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới nên không thể nằm ngoài những tác động của thế giới.
Mặc dù vậy, tỷ giá trên thị trường trong nước thời gian qua vẫn khá ổn định so với mức biến động mạnh của đồng USD trên thị trường thế giới. Nguyên nhân một phần nhờ vào nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào, lần đầu tiên đạt mức 63 tỷ USD. Dự trữ ngoại hối tăng cao chẳng những hỗ trợ nền kinh tế chống đỡ tốt hơn với các cú sốc từ bên ngoài, mà còn nâng cao khả năng can thiệp của NHNN trong việc ổn định tỷ giá. Thứ nữa, khi dự trữ ngoại hối quốc gia liên tục tăng cao còn tạo niềm tin quan trọng cho thị trường.
Sự ổn định của tỷ giá còn dựa trên cơ sở nền tảng của 5 năm qua khi trật tự thị trường vàng được đảm bảo đã hạn chế rất nhiều những biến động cho thị trường ngoại tệ. Thị trường vàng đã không còn những nạn đầu cơ, nắm giữ đẩy giá, hạn chế rất nhiều nhu cầu ngoại tệ trên thị trường sử dụng vào mục đích nhập khẩu vàng về nước tìm kiếm chênh lệch giá. Theo đó, NHTW có định lượng và sắp xếp tốt các nguồn lực ngoại tệ đáp ứng cho các nhu cầu chính đáng trong nền kinh tế mà không lo thiếu hụt.
Theo các NHTM, hiện thanh khoản ngoại tệ đang rất dồi dào, mọi nhu cầu ngoại tệ chính đáng của DN đều được đáp ứng |
Với nhận định của ông thì nguồn cung ngoại tệ hiện nay không đáng lo?
Như bạn thấy nguồn cung ngoại tệ cho nền kinh tế của hệ thống ngân hàng trong 5 tháng qua là rất tốt. Chúng tôi cho rằng nguồn cung ngoại tệ từ nay đến cuối năm của các TCTD hoàn toàn có thể đáp ứng cho tất cả mọi nhu cầu, nếu không có biến động lớn.
Có được điều đó một phần nhờ cán cân thương mại hàng hóa thặng dư khá lớn, ước thặng dư 3,38 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm. Trong khi giải ngân vốn FDI cũng ước đạt 6,75 tỷ USD trong 5 tháng qua, tăng 9,8% so với cùng kỳ; vốn FII ước đật 2,75 tỷ USD, tăng 53,5%.
Bên cạnh đó nguồn ngoại tệ từ kiều hối năm nay tiếp tục được dự báo sẽ có những khả quan theo đó tổng nguồn kiều hối về nước năm 2018 dự kiến sẽ tăng khoảng 20% so với năm trước. Kiều hối là nguồn cung ngoại tệ quan trọng trong cân đối tổng thể thanh khoản ngoại tệ trong nền kinh tế.
Vậy ông đánh giá thế nào về tín dụng ngoại tệ?
Trong trung dài hạn NHTW vẫn đang theo đuổi mục tiêu chống đôla hóa trong nền kinh tế. Tuy nhiên, trong những năm qua NHTW đã có những đợt gia hạn cho vay ngoại tệ nhằm hỗ trợ cho phát triển kinh tế trong ngắn hạn. Bởi hiện lãi suất cho vay bằng ngoại tệ chỉ bằng một nửa so với lãi suất cho vay VND. Thậm chí nhiều TCTD hiện nay cho vay ngoại tệ lãi suất chỉ khoảng trên 2%/năm, kỳ hạn vốn vay ngoại tệ lại chủ yếu ngắn hạn đáp ứng các nhu cầu thu gom nguyên phụ liệu sản xuất hàng xuất khẩu nên tính an toàn trong tương quan giữa hai đồng tiền được đảm bảo.
Thông qua hình thức cho vay ngoại tệ với lãi suất thấp, chính sách tiền tệ đã trực tiếp hỗ trợ sản xuất kinh doanh tiết giảm chi phí tài chính góp phần tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, chính sách cho vay ngoại tệ đối với nhà xuất khẩu cũng tùy từng thời kỳ và tương lai sẽ từng bước hạn chế tín dụng ngoại tệ và dần chuyển sang quan hệ mua bán ngoại tệ. Từ đó, nguồn lực ngoại tệ chỉ phục vụ cho những nhu cầu thiết yếu như cá nhân mua ngoại tệ thanh toán tiền du học, khám chữa bệnh ở nước ngoài, doanh nghiệp mua bán ngoại tệ thanh toán các hợp đồng xuất nhập khẩu.
Xin cảm ơn ông!
Ngày 5/6, tỷ giá trung tâm được NHNN giữ nguyên ở mức 22.571 đồng/USD. So với thời điểm cuối năm 2017, tỷ giá trung tâm chỉ tăng khoảng 0,65%. Còn giá bán ra USD tại các ngân hàng phổ biến khoảng 22.855 – 22.860 đồng/USD, và giá mua vào phổ biến trong khoảng 22.770 – 22.790 đồng/USD, tăng khoảng 0,79% so với cuối năm 2017. Giá USD tiền mặt trên thị trường tự do ở TP.HCM được các tiệm thu đổi ngoại tệ thu vào 22.880 đồng/USD và bán ra 22.900 đồng/USD, mỗi USD chênh lệch 5 -13 đồng so với thị trường niêm yết. Trong khi đồng USD trên thị trường thế giới tăng giá gần 2,4% kể từ đầu năm.
|