Giảm thuế linh kiện để tăng sức cạnh tranh cho xe nội
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 125/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 122/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.
Một trong những nội dung quan trọng của Nghị định này là việc bổ sung nội dung về thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với linh kiện ô tô nhập khẩu theo Chương trình ưu đãi thuế.
Theo quy định tại Nghị định 125, từ ngày 1/1/2018, các linh kiện ô tô nhập khẩu thuộc nhóm hàng 98.49 trong biểu thuế nhập khẩu sẽ áp dụng mức thuế suất ưu đãi là 0%.
Tuy nhiên, mức thuế nhập khẩu 0% không áp dụng đại trà cho tất cả các linh kiện. Để được hưởng ưu đãi này, các doanh nghiệp phải đạt được những điều kiện nhất định. Cụ thể, muốn được hưởng ưu đãi linh kiện với mức thuế 0%, doanh nghiệp phải đảm bảo tiêu chuẩn doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô theo quy định của Chính phủ về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô.
Thêm đó, để được áp dụng mức thuế linh kiện 0%, doanh nghiệp phải cam kết sản xuất, lắp ráp xe ô tô đáp ứng tiêu chuẩn khí thải EURO 4 (giai đoạn từ 2018 – 2021) và mức EURO 5 từ 2022 trở đi và đạt đủ sản lượng theo quy định.
Chính phủ chính thức thông qua Nghị định giám thuế nhập khẩu linh kiện ô tô. Ảnh minh họa
Ngoài ra, ưu đãi giảm thuế nhập khẩu đối với linh kiện ô tô nhập khẩu trong 5 năm này có kèm theo điều kiện về sản lượng xe sản xuất lắp ráp (sản lượng chung cho các mẫu xe và sản lượng riêng cho một mẫu xe mà 1 doanh nghiệp tham gia chương trình cam kết phải đạt được hàng năm) và tỷ lệ giá trị sản xuất trong nước của mẫu xe cam kết phải đạt được hàng năm, để lắp ráp xe.
Sản lượng xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước quy định cho từng giai đoạn cụ thể nêu tại lộ trình của chương trình ưu đãi thuế.
Cụ thể, theo lộ trình mà Bộ Tài chính đặt ra thì sản lượng chung tối thiểu đối với ô tô chở người dưới 9 chỗ, loại có động cơ từ 2.000 cc trở xuống mà các doanh nghiệp đạt được năm 2018 phải là 34.000 xe và tăng 16% theo từng năm cho đến 2022 là 61.000 xe và tổng giai đoạn 5 năm phải đạt 234.000 chiếc được lắp ráp trong nước. Trong đó, sản lượng riêng tối thiểu 1 mẫu xe phải đạt 20.000 xe và tỷ lệ giá trị sản xuất trong nước là 20% (năm 2018) và con số này tăng lên tương ứng 36.000 xe vá 40% vào năm 2022.
Các loại linh kiện cũng phải thuộc loại trong nước chưa sản xuất được và các linh kiện (các chi tiết, cụm chi tiết, bộ phận) là những sản phẩm đã hoàn thiện nhưng chưa được lắp ráp hoặc chưa phải là sản phẩm hoàn thiện nhưng đã có đặc trưng cơ bản của sản phẩm hoàn thiện với mức độ rời rạc tối thiểu bằng mức độ rời rạc của các linh kiện ôtô nhập khẩu theo quy định của Bộ KHCN.
Doanh nghiệp muốn được giảm thuế phải đăng ký
Theo Quy định mới, tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan sẽ chưa áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0% mà nộp thuế theo mức thuế suất thuế nhập khẩu thông thường hoặc mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi hoặc thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo quy định hiện hành.
Các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô phải đăng ký để có thể được hưởng ưu đãi. Cụ thể, chậm nhất sau 60 ngày kể từ ngày 30/6 hoặc ngày 31/12 hàng năm doanh nghiệp có công văn gửi cơ quan hải quan đề nghị áp dụng mức thuế suất 0% của nhóm 98.49 cho các linh kiện ô tô đã nhập khẩu để sản xuất, lắp ráp các nhóm xe ô tô nêu tại lộ trình của Chương trình ưu đãi thuế trong giai đoạn theo đề nghị của doanh nghiệp.
Giai đoạn đề nghị của doanh nghiệp tối đa không quá 6 tháng tính từ ngày 1/1 đến 30/6 hàng năm hoặc từ ngày 1/7 đến ngày 31/12 hàng năm.
Trường hợp doanh nghiệp đăng ký tham gia Chương trình ưu đãi thuế ngay sau ngày Nghị định được ký ban hành thì chậm nhất sau 60 ngày kể từ ngày 30/6/2018 trở đi, doanh nghiệp có công văn gửi cơ quan hải quan đề nghị áp dụng mức thuế suất 0% của nhóm 98.49 cho các linh kiện ô tô đã nhập khẩu để sản xuất, lắp ráp các nhóm xe ô tô trong giai đoạn từ ngày doanh nghiệp đăng ký tham gia Chương trình ưu đãi thuế đến ngày 30 tháng 6 năm 2018.
Ngoài ra, khi trình thì cơ quan hải quan cũng sẽ kiểm tra đối tượng và các điều kiện áp dụng chương trình ưu đãi thuế.
Trong đó có sản lượng xe chung tối thiểu đã đạt được trong từng giai đoạn cụ thể nêu tại lộ trình của Chương trình ưu đãi thuế. Và sản lượng riêng tối thiểu của mẫu xe cam kết đã đạt được trong từng giai đoạn cụ thể nêu tại lộ trình của Chương trình ưu đãi thuế.
Việc xác định các tiêu chí về sản lượng chung tối thiểu và sản lượng riêng tối thiểu của mẫu xe cam kết được căn cứ vào số lượng phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng của doanh nghiệp đã phát hành trong giai đoạn đề nghị áp dụng mức thuế suất 0% của doanh nghiệp, phiếu này phải theo mẫu do Cục đăng kiểm Việt Nam phát hành.
Việc xác định mẫu xe cam kết căn cứ theo giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường ô tô sản xuất, lắp ráp do Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp (để xác định dung tích xi lanh, kiểu loại động cơ và công suất động cơ) và bản thuyết minh thiết kế kỹ thuật của xe ô tô có dấu xác nhận thẩm định của Cục Đăng kiểm Việt Nam (để xác định kiểu loại thân xe hoặc cabin).
Như vậy là mặc dù mức thuế linh kiện giảm về 0% rất hấp dẫn cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô. Thế nhưng, không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ điều kiện để được hưởng mức thuế suất này nhằm làm giảm áp lực của các dòng xe lắp ráp với xe nhập khẩu vào đầu năm sau. Theo đánh giá, tại thị trường Việt Nam, chỉ vài doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện về sản lượng xe lắp ráp có thể hưởng ưu đãi linh kiện theo quy định mới của Chính phủ.