Sáng nay, tại khách sạn Hilton Hà Nội, CTCP Quản lý quỹ đầu tư Dragon Capial Việt Nam (DCVFM) chính thức ra mắt Chương trình hưu trí An Vui. Đây là chương trình hưu trí tự nguyện đầu tiên tại Việt Nam.
Quỹ hưu trí tự nguyện được xem như một công cụ hoạch định kế hoạch tài chính thiết thực giúp người lao động tham gia tiết kiệm, đầu tư tích luỹ bổ sung thu nhập đến khi tuổi về hưu.
Đối với các doanh nghiệp, chương trình hưu trí tự nguyện có thể vận dụng như một phần của chính sách phúc lợi, thể hiện sự quan tâm của doanh nghiệp đến người lao động và nhằm thu hút gìn giữ nhân tài.
Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng, Bộ Tài chính cho biết: "Việt Nam đã nỗ lực xây dựng ngày càng tốt hơn các chính sách an sinh xã hội để nâng cao đời sống người dân, bên cạnh các chương trình bảo hiểm xã hội bắt buộc thì sự hình thành các chương trình hưu trí tự nguyện là giải pháp có tính chiến lược dài hạn với hệ thống an sinh xã hội, tạo ra nguồn vốn dài hạn, đầu tư trở lại nền kinh tế để góp phần tăng trưởng kinh tế xã hội. Trong bối cảnh dân số VIệt Nam đang già hoá thì số lượng người hưởng hưu trí sẽ cao hơn người đóng góp bảo hiểm xã hội, cần phải có giải pháp để khuyến khích chương trình hưu trí tự nguyện.
Kinh tế đất nước ổn định, tỷ lệ tích luỹ của người dân ngày càng tăng lên tạo nhiều dư địa cho các chương trình hưu trí tự nguyện tại Việt Nam. Từ 2014, Bộ Tài chính đã xây dựng trình Thủ tướng phê duyệt chương trình hưu trí tự nguyện là bảo hiểm hưu trí tự nguyện và quỹ hưu trí tự nguyện.
Nhà nước không đảm bảo mức chi trả đầu tư nhưng sẽ có giải pháp khuyến khích chương trình bổ sung hưu trí tự nguyện thông qua các chương trình ưu đãi thuế. Đã có chương trình ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp và ưu đãi thuế thu nhập cá nhân với các doanh nghiệp và người lao động tham gia quỹ hưu trí: được khấu trừ hàng tháng 1 triệu đồng/tháng vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân và 3 triệu đồng vào phần chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
Đã có 2 đơn vị được cấp phép vận hành quỹ hưu trí trong đó quỹ do Dragon Capital Việt Nam là quỹ đầu tiên".
Ông Trần Lê Minh, Giám đốc chi nhánh Hà Nội quỹ Dragon Capital Việt Nam (DCVFM) giới thiệu: "Nhu cầu tích luỹ cho tuổi già là nhu cầu hiện hữu và thường xuyên. Năm 2008 chúng tôi nhận được yêu cầu từ các doanh nghiệp dầu khí tại Vũng Tàu, họ muốn được cung cấp sản phẩm tài chính để người lao động giữ lại quyền lợi của người ta khi bảo hiểm xã hội yêu cầu mức trần đóng bảo hiểm là 20 lần mức lương cơ bản, khi đó chúng tôi bắt đầu nghiên cứu về quỹ tự nguyện bổ sung. Đến 2014-2015 với sự ra đời Luật bảo hiểm mới và xây dựng chương trình hưu trí an sinh đa trụ cột thì chúng tôi mới có cơ sở xây dựng với các cơ quan liên quan. Năm 2016-2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định 56 hoàn thành khuôn khổ pháp lý về quỹ hưu trí, tháng 5/2019, lúc đó Vietfund Maganement đãnhận được giấy phép đầu tiên đủ năng lực quản lý quỹ hưu trí tự nguyện". Việc ra đời quỹ hưu trí đã hoàn thành các mảnh ghép về hệ thống an sinh xã hội tại Việt Nam.
Ông Trần Lê Minh, Giám đốc chi nhánh Hà Nội quỹ Dragon Capital Việt Nam (DCVFM)
Chương trình Hưu trí An Vui của DCVFM ra mắt ba sản phẩm quỹ Thịnh An, Phúc An và Vĩnh An. Các sản phẩm được thiết kế đơn giản và linh hoạt tạo điều kiện cho người tham gia dễ dàng lựa chọn chương trình đầu tư sao cho phù hợp với độ tuổi, thời gian và mức độ rủi ro.
Quỹ Thịnh An (phù hợp với người tham gia dưới 35 tuổi và có thời gian đi làm trên 30 năm): Quỹ này phân bổ 50% vào quỹ cổ phiếu và 50% còn lại vào trái phiếu Chính phủ hoặc quỹ trái phiếu.
Quỹ Phúc An (phù hợp với độ tuổi 35-50 tuổi): 35% đầu tư vào quỹ cổ phiếu và 65% đầu tư vào quỹtrái phiếu hoặc trái phiếu Chính phủ.
Quỹ Vĩnh An (phù hợp với độ tuổi trên 50 tuổi): 20% đầu tư vào quỹ cổ phiếu và 80% đầu tư vào quỹ trái phiếu/TPCP.
Tại sao cần quỹ hưu trí tự nguyện?
Theo ông Trần Lê Minh, để duy trì cuộc sống về hưu tương đương mức trước khi nghỉ hưu thì phải đạt lương hưu trí tương đương 70-75% mức lương bình quân trong 5 năm đi làm cuối đời, nhưng với hệ thống bảo hiểm xã hội hiện tại, tiền chi trả từ hệ thống bảo hiểm xã hội chỉ đảm bảo đạt 40-45% mức lương bình quân 5 năm cuối đời đi làm. Như vậy có mức chênh lệch giữa nhu cầu và mức chi trả của bảo hiểm xã hội. Để duy trì mức sống trước khi về hưu phải có sự bù đắp khác. Quỹ hưu trí tự nguyện là một công cụ để tiết kiệm có kỉ luật trong dài hạn để hình thành nguồn thu nhập trong tương lai khi về già.
Có 3 lý do đây là thời điểm chín muồi ra mắt quỹ hưu trí tự nguyện:
(i) Sự tăng trưởng thu nhập của người dân: chúng ta đang tăng trưởng rất nhanh về số lượng người dân trong tầng lớp trung lưu, hiện nay có 32 triệu người và sẽ đạt 67 triệu người trong tầng lớp trung lưu vào năm 2030. Tăng trưởng thu nhập tính theo sức mua ngang giá tăngrất tốt đạt 9.600 USD/người năm 2020 và đạt 15.000 USD/người vào 2035. Theo Tổng cục thống kê, tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM chúng ta có 18,5 triệu người với thu nhập bình quân đạt 5.400 USD trở lên, thống kê trên thế giới cho thấy nếu thu nhập người dân vượt 5.000 USD/năm thì nhu cầu đầu tư sẽ gia tăng đáng kể.
(ii) Sự thay đổi trong cơ cấu dân số Việt Nam: Năm 2020 chúng ta có 97,3 triệu dân, trong 15 năm tới khi người dân ở độ tuổi dưới 30 tiệm cận lên tuổi về hưu, các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng chúng ta bước vào giai đoạn dân số già vào năm 2026, đây là giai đoạn bùng nổ nhu cầu tích luỹ cho tuổi già.
(iii) Ý thức của người dân về tham gia bảo hiểm xã hội đã thay đổi đáng kể các năm gần đây. Năm 2020 có 1,1 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, tăng 100% trong 3 năm trở lại đây cho thấy người dân đã quan tâm đáng kể đến các chương trình tích luỹ tuổi già.