Chính trị gia Luigi Di Maio, 31 tuổi, có thể trở thành nhà lãnh đạo mới của Italy sau cuộc bầu cử diễn ra vào năm 2018, theo CNBC.
Hiện ông Di Maio là ứng cử viên của đảng Phong trào 5 sao (Five Star Movement) tranh cử chức thủ tướng. Các cuộc thăm dò cho thấy chính trị gia này đang dẫn đầu với tỷ lệ ủng hộ gần 28%.
Thị trường chứng khoán được dự báo sẽ bắt đầu phản ứng vào mùa đông tới nếu đảng Phong trào 5 sao tiếp tục thắng thế, đồng nghĩa với những lo ngại cho đồng Euro và Liên minh châu Âu (EU).
Đảng Phong trào 5 sao là đảng theo chủ nghĩa hoài nghi châu Âu (euroskeptic) được thành lập vào năm 2009 bởi chính trị gia Beppe Grillo. Grillo từng được gọi là "Donald Trump của Italy" và nổi tiếng với những bài phát biểu chống lại EU và đồng Euro.
Giới đầu tư tỏ ra đặc biệt quan tâm tới đảng này bởi ông Grillo từng lên tiếng ủng hộ một cuộc trưng cầu dân ý để rời khởi EU tại Italy rất lâu trước khi Anh có ý định này.
Các nhà phân tích cho rằng một cuộc trưng cầu dân ý rời khỏi EU tại Italy sẽ gây ra hậu quả lớn hơn nhiều so với việc Anh rời khỏi liên minh này (còn gọi là Brexit), bởi Italy là nước dùng đồng tiền chung Euro còn Anh thì không. Điều này có thể là khởi đầu cho "cái chết" của đồng tiền này.
Dù là truyền nhân của Grillo, ông Di Maio có cái nhìn mềm mỏng hơn về đồng Euro trong cuộc phỏng vấn mới đây với tờ CNBC. Ông cho biết một cuộc trưng cầu dân ý rời khởi EU sẽ là "phương sách cuối cùng" được dùng đến nếu Itaty không để tạo ra những thay đổi với các chính sách của liên minh này.
Ông Di Maio đặc biệt nhấn mạnh rằng làn sóng nhập cư từ Bắc Phi đang gây nhiều bất lợi cho kinh tế Italy. Cũng giống như trong cuộc bầu cử tại Đức gần đây, thăm dò cho thấy nhập cư là vấn đề quan tâm lớn nhất của cử tri Italy.
Ông Di Maio cũng bày tỏ muốn kiểm soát chặt hơn lãi suất tại Italy - điều cực kỳ khó khăn trừ phi nước này có đồng tiền riêng.
Đề cập tới tăng trưởng kinh tế ì ạch của Italy, chính trị gia này kêu gọi cắt giảm thuế cho các doanh nghiệp nhỏ. Khi được hỏi mức thuế suất doanh nghiệp nào là lý tưởng, ông cho rằng con số phải là dưới 50%.
Chính trị gia 31 tuổi có quan điểm ủng hộ sự can thiệp của chính phủ vào nền kinh tế. "Chúng tôi có hơn 10 triệu người sống dưới ngưỡng nghèo. Rõ ràng chính phủ cần và phải can thiệp".
Trước đó, năm 2014, Italy có thủ tưởng trẻ nhất kể từ sau thế chiến thứ 2 - Matteo Renzi - người thậm chí còn chưa phải là một nghị sĩ. Ông Renzi trở thành thủ tướng Italy năm 39 tuổi. Giữa năm 2017, châu Âu một lần nữa chứng kiến sự lên ngôi của lớp chính trị gia trẻ tuổi khi ông Emmanuel Macron, chưa tròn 40 tuổi, đắc cử tổng thống Pháp.