Hạ viện Anh ngày 1/4 sẽ một lần nữa bỏ phiếu để lựa chọn giữa thỏa thuận Brexit của Thủ tướng Theresa May và những phương án khác. Cuộc bỏ phiếu diễn ra trong bối cảnh chính phủ Anh có nguy cơ sụp đổ hoàn toàn nếu bản thỏa thuận Brexit của Thủ tướng Theresa May không được thông qua tại quốc hội.
Chính phủ của Thủ tướng Theresa May đang đứng trước nguy cơ sụp đổ hoàn toàn. Ảnh: Financial Times
Theo truyền thông Anh, chính phủ của Thủ tướng Theresa May đang phải đối mặt trong thế bế tắc. Theo đó, ít nhất 6 bộ trưởng ủng hộ EU sẽ từ chức nếu bà Theresa May chọn cách để nước Anh ra khỏi EU mà không có thỏa thuận nào. Nhưng ngược lại, nhiều bộ trưởng ủng hộ Brexit lại dọa từ chức nếu bà Theresa May quyết định duy trì quan hệ gần gũi giữa Anh với EU bằng một liên minh thuế quan hay trì hoãn Brexit.
Trong khi đó, Thủ tướng Theresa May tuyên bố bà sẽ từ chức nếu thỏa thuận Brexit của bà được quốc hội thông qua, nhường đường cho những người chỉ trích bà chọn ra vị thủ tướng mới để dẫn dắt các vòng đàm phán tiếp theo về tương lai quan hệ của nước Anh với EU.
Theo kế hoạch, một cuộc bỏ phiếu sẽ diễn ra tại quốc hội Anh vào ngày hôm nay để lựa chọn thỏa thuận mà bà Theresa May đề xuất hoặc bất kỳ thỏa thuận nào khác được các nhà làm luật ủng hộ nhiều nhất. Tuy nhiên, cho đến hiện tại mọi khả năng đều chưa rõ ràng.
Bộ trưởng Tư pháp Anh David Gauke nói: “Theo quan điểm của tôi, kết quả tốt nhất là thỏa thuận của Thủ tướng được thông qua. Nhưng nếu lại bị Hạ viện bác bỏ thì chúng ta cần xem xét là quốc hội muốn gì. Tại thời điểm hiện tại chúng tôi cũng chưa rõ là quốc hội đang muốn điều gì”.
Nếu Thỏa thuận Brexit của bà Theresa May không được Hạ viện thông qua thì một cuộc bầu cử sớm có thể diễn ra vào ngày 3/4. Một cuộc bầu cử sớm sẽ cần được 2/3 thành viên quốc hội ủng hộ. Theo báo giới Anh, các nghị sĩ đảng Bảo thủ không muốn để bà Theresa May dẫn dắt họ trong một cuộc bầu cử mới vì sợ đảng này sẽ bị “hủy diệt” trong cuộc bầu cử nếu Thỏa thuận Brexit của bà Theresa May bị quốc hội từ chối thông qua. Một cuộc thăm dò tỷ lệ ủng hộ của dư luận cho thấy, Công đảng dẫn trước 5 điểm phần trăm so với đảng Bảo thủ.
Về phía châu Âu, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Jean-Claude Juncker tuyên bố, Liên minh châu Âu đã hết kiên nhẫn với tiến trình Brexit và mong đợi nước Anh sẽ sớm đưa ra giải pháp. Theo ông Juncker, Liên minh châu Âu đã rất kiên nhẫn với tiến trình Brexit nhưng giờ đây sự kiên nhẫn đó đã cạn kiệt. Ông cho biết, châu Âu mong đợi nước Anh đưa ra một giải pháp trong vài ngày tới, thậm chí là vài giờ tới.
Theo kế hoạch, trong cuộc bỏ phiếu ngày 1/4, Hạ viên Anh sẽ tước quyền điều khiển tiến trình Brexit của chính phủ Anh để tiến hành các phiên bỏ phiếu chỉ thị hướng đi của Brexit, tức là tìm phương án thay thế thoả thuận Brexit mà chính phủ Anh đã đạt được với EU cuối năm 2018. Để chuẩn bị cho lần bỏ phiếu này, đã có 9 kiến nghị được các nghị sĩ Anh đưa ra. Đại đa số các kiến nghị này giống 8 kiến nghị từng bị chính Hạ viện Anh bác bỏ hôm 27/3. Chỉ có 1 kiến nghị mới là việc trưng cầu ý dân để ngăn chặn việc rời khỏi EU mà không có thoả thuận.
Trước đó, ngày 29/3, với 286 phiếu thuận và 344 phiếu chống, Hạ viện Anh lần thứ ba đã bác bỏ thỏa thuận Brexit mà Thủ tướng Anh Theresa May đã nhất trí với các nhà lãnh đạo EU hồi cuối năm 2018. Tuy nhiên, tỷ lệ chênh lệch giữa số phiếu chống so với phiếu thuận đã giảm đi rất nhiều sau mỗi lần bỏ phiếu, từ 230 phiếu lần thứ nhất xuống 149 phiếu lần 2 và xuống còn 58 phiếu lần 3./.