Quyết định tạm dừng hoạt động của Quốc hội trong 5 tuần tới do tân Thủ tướng Anh Boris Johnson đưa ra chính thức được Nữ hoàng Anh chấp nhận đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các đảng phái Anh.
Thủ tướng Anh Corbyn. Ảnh: NME.
Trong phản ứng của mình, Lãnh đạo Công đảng đối lập Jeremy Corbyn nhận định, kế hoạch hoãn lịch làm việc của Quốc hội là vi hiến và đe dọa nền dân chủ quốc gia.
Lãnh đạo Công đảng đối lập Anh Jeremy Corbyn hôm 29/8 cho biết, các chính trị gia sẽ cố gắng ngăn chặn kế hoạch của Thủ tướng Anh Boris Johnson treo Nghị viện, ngay sau khi họ hoạt động trở lại sau kì nghỉ hè.
Trả lời báo chí, lãnh đạo Công đảng đối lập cho biết sẽ sử dụng các biện pháp chính trị để ngăn chặn kế hoạch này của Thủ tướng Johnson: “Khi Quốc hội hoạt động trở lại vào ngày 3/9, chúng tôi sẽ thách thức ông Johnson về những gì tôi nghĩ là một cuộc đột kích và giành giật nền dân chủ. Ông Johnson đang cố gắng đình chỉ Quốc hội nhằm ngăn chặn một cuộc thảo luận nghiêm túc về Brexit. Những gì chúng tôi sẽ làm là cố gắng ngăn chặn ông Johnson lợi dụng công cụ chính trị để để tiến hành Brexit không thỏa thuận và cũng cố gắng ngăn chặn ông Johnson đóng cửa Quốc hội trong giai đoạn cực kỳ quan trọng này."
Trả lời về khả năng bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với chính phủ, ông Corbyn cho rằng đây cũng là một lựa chọn và sẽ đưa ra vào thời điểm thích hợp.
Cùng ngày, Chủ tịch Hạ viện Anh John Bercow cho rằng việc chính phủ có kế hoạch hoãn thời gian làm việc của cơ quan lập pháp nước này tới ngày 14/10 là “vi phạm hiến pháp”, nghi ngại động thái này được đưa ra để ngăn chặn cơ quan lập pháp tranh luận về Brexit cũng như thực hiện nghĩa vụ định hình tương lai của quốc gia.
Từ hôm 29/8, hàng nghìn người dân cũng đã biểu tình ở thủ đô London, Manchester, Edinburgh và các thành phố lớn khác. Một kiến nghị qua mạng nhằm phản đối quyết định đã nhận được hơn một triệu chữ ký ủng hộ. Hàng trăm người biểu tình cũng tập trung trước trụ sở Quốc hội giương cao cờ Liên minh châu Âu, trước khi tuần hành tới Ngôi nhà số 10 phố Downing Street với cùng một thông điệp, đó là phản đối việc đình chỉ hoạt động của Quốc hội.
Theo đề xuất của chính phủ Anh, lịch làm việc của Quốc hội dự kiến sẽ bị trì hoãn từ ngày 3/9 đến ngày 14/10. Các nhà phân tích nhận định, đề xuất này nhằm ngăn chặn khả năng các nghị sĩ đối lập cản trở kịch bản Anh rời Liên minh châu Âu (EU), vốn gọi tắt là Brexit, mà không có thỏa thuận nào vào ngày 31/10 tới.
Nói cách khác, việc đình chỉ quốc hội trong 5 tuần của Thủ tướng Johnson sẽ khiến phe phản đối Brexit không thỏa thuận có rất ít thời gian để chuẩn bị thủ tục cần thiết. Thực tế này sẽ buộc họ phải chọn kế hoạch dự phòng là tổ chức bỏ phiếu bất tín nhiệm, một viễn cảnh được cho là rất khó xảy ra.
Theo các nhà phân tích, việc tạm hoãn hoạt động của quốc hội có thể là một nước cờ mới của ông Johnson trên lộ trình Brexit. Song, nước cờ này cũng chứa đầy rủi ro. Một số người đánh giá ông Johnson đã tạo ra một tiền lệ nguy hiểm cho nước Anh khi lãnh đạo chính phủ có thể vận dụng các công cụ chính trị có trong tay để qua mặt cơ quan lập pháp, đẩy đất nước vào tình thế chia rẽ thêm trong bối cảnh khủng hoảng chưa từng có trong vài thập kỷ trở lại đây. Hiện dư luận đang nín thở chờ cơn địa chấn rúng động đảo quốc sương mù và có thể cả châu Âu này sẽ kết thúc như thế nào.