Cuối phiên sáng, lực cầu đỡ giá tại các cổ phiếu vốn hóa lớn không đủ sức giữ lửa cho toàn thị trường. Hàng loạt cổ phiếu giảm nhiệt trước áp lực chốt lãi ngắn hạn. Như chúng tôi đã từng phân tích cho nhà đầu tư trước đó, hiện tại trên Thị trường chứng khoán có nhiều "kiểu" nhà đầu tư khác nhau và đối với những người đã mua được cổ phiếu ở vùng VnIndex 660 điểm thì rõ ràng họ đã có "lãi" khá lớn và việc chốt lãi là hiển nhiên.
Khi chúng tôi nói đến từ chốt lãi, hẳn nhiều nhà đầu tư sẽ cười bởi lẽ ờ mức Index hiện tại thì không nhiều nhà đầu tư có lãi. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn giữ nguyên quan điểm rằng có những nhà đầu tư nắm giữ ở vùng giá cao và mua bình quân giá thấp ở vùng đáy thì dù mức giá bình quân hiện tại vẫn đang lỗ thì họ vẫn có xu hướng bán ra, chờ làn sóng chốt lãi ngắn hạn và mua lại với giá thấp hơn nữa hoặc nếu không mua lại được ở giá rẻ hơn thì họ có thể tạm đứng ngoài thị trường ngóng đợi diễn biến.
VnIndex sáng nay, vì yếu tố chốt lãi sau khi đã tăng hơn 100 điểm sau thời gian ngắn, đã điều chỉnh giảm 7 điểm. Trong nhóm VN30, VJC, GAS, VCB, PLX đứng đầu top giảm.
--------
Đến 10h15', nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn hạ nhiệt kéo chỉ số VnIndex quay đầu giảm nhẹ. Chỉ số VN30 vẫn tăng nhưng nhẹ.
VPB sau khi tăng kịch biên độ đã hạ nhiệt, hiện tăng hơn 4%. FPT cũng hạ từ +5% còn chưa đầy +3%; VRE cũng hạ nhiệt từ sắc tím về mức +3%.
Nhóm VN30, VJC hạ nhiệt sau mấy phiên phục hồi mạnh. Hãng hàng không Vietjet dự kiến sẽ bay nội địa trở lại ngay khi hết thời gian cách ly xã hội.
GAS hôm nay giảm sâu gần 3% sau chuỗi tăng hơn 20%. Thực tế, GAS đã giảm nhanh hơn thị trường chung trong giai đoạn căng thẳng COVID-19, sự hồi phục về mức giá hiện tại vẫn đang khiến cổ phiếu này mất hơn 30% so với giá trước tết nguyên đán.
---------
Phiên giao dịch sáng nay, cổ phiếu VPB của ngân hàng VPBank gây bất ngờ với mức tăng gần kịch trần lên ngưỡng 21.200 đồng/cổ phiếu. Phiên thứ 2 liên tiếp bứt phá đã giúp cho VPB trở thành một "hiện tượng" trong nhóm cổ phiếu ngân hàng sau sự đảo chiều của SHB những ngày gần đây.
Sự bứt phá của VPB cũng tạo hiệu ứng đáng kể lên các cổ phiếu ngân hàng khác như MBB, STB, CTG...giúp cho chỉ số VnIndex đạt đà tăng nhẹ gần 4 điểm trong khi khá nhiều cổ phiếu trên sàn đang chịu áp lực bán. Quan sát của chúng tôi cho thấy, số mã tăng-mã giảm hiện khá cân bằng. Sở dĩ nhiều cổ phiếu bị bán khá mạnh là bởi vì VnIndex đã đạt mức tăng ngắn hạn trên 15% nên áp lực bán từ những nhà đầu tư bắt đáy khá cao. Tuy vậy, so với mức giá trước tết nguyên đán thì hầu hết cổ phiếu vẫn chưa về giá cũ.
Trước thềm hủy niêm yết bắt buộc, cổ phiếu PVX đã có chuỗi tăng ấn tượng. Hiện, giá đang là 1.100 đồng/cổ phiếu và PVX có dư mua trần hơn 5 triệu đơn vị hiện tại.
TNG dư mua trần 600 nghìn cổ phiếu. Trong thời gian dịch bệnh, TNG đã chuyển hướng sản xuất khẩu trang phục vụ công tác phòng, chống bệnh nên có lẽ, hiệu ứng lan tỏa lên giá cổ phiếu.
DVN có phiên tăng ấn tượng gần 8%. Cổ phiếu dược này khi giảm sâu thì rất sâu còn khi quay đầu cũng rất chóng vánh.