CTCP Phân đạm và Hóa chất Hòa Bắc (DHB) công bố mức lỗ ròng 385 tỷ đồng trong quý 3 và 1.077 tỷ đồng sau 9 tháng đầu năm 2020. Nguyên nhân chính do giá vốn tăng cao và chi phí tài chính lớn, chủ yếu là lãi vay. Tính riêng trong quý 3, mức lỗ gộp đã là 104 tỷ đồng, chi phí lãi vay 241 tỷ đồng.
Doanh thu tăng nhẹ 2% đạt 559 tỷ đồng, nhưng chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng mạnh 58% và 20% khiến công ty thua lỗ nặng thêm. Lũy kế từ đầu năm, Đạm Hà Bắc thu về 2.046 tỷ đồng doanh thu, giảm hơn 4%; số lỗ gấp 2,55 lần cùng kỳ năm ngoái.
Trong giải trình, ban lãnh đạo Đạm Hà Bắc nói rằng COVID-19 là nguyên nhân ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động kinh doanh của công ty. Cụ thể là giá dầu thô thế giới giảm mạnh, giá Urê và NH3 vẫn ở mức thấp kéo theo việc giá bán sản phẩm đã giảm 1.000 đồng/kg so với cùng kỳ.
Lưu thông sản phẩm gặp nhiều trở ngại, mua linh kiện, thiết bị từ Trung Quốc, Châu Âu chậm trễ. Công ty thiếu hụt lao động về thiếu vốn duy trì hoạt động kinh doanh.
Chi phí lãi vay chiếm khoảng 30% so với doanh thu, chủ yếu từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) với lãi suất bình quân khá cao 10,78%. Do Đạm Hà Bắc không thể cân đối được dòng tiền trả đúng hạn nợ gốc, lãi, nên phải chịu lãi phạt trên số tiền chậm trả (150% lãi suất trong hạn, có khoản vay lãi phạt lên tới 18%).
Một nguyên nhân khác đến từ việc trong quý 3, chi phí khấu hao tài sản cố định tăng mạnh do công ty thực hiện trích khấu hao 100% so với mức phải trích theo phương pháp đường thẳng (2019 chỉ trích 50%) và phần giãn khấu hao giai đoạn 2017 – 2019 được phân bổ từ năm 2020 theo thời gian còn lại của tài sản cố định.
Ban lãnh đạo công ty cũng nói rằng luật thuế đưa sản phẩm phân bón thành đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng gây bất lợi kép cho Đạm Hà Bắc do vừa không được hoàn thuế đầu vào vừa giảm sức cạnh tranh so với phân bón nhập khẩu.
Trong 9 tháng đầu năm, nợ vay ngắn hạn của Đạm Hà Bắc tăng thêm 744 tỷ đồng lên 2.605 tỷ; ngược lại nợ vay dài hạn giảm 827 tỷ, xuống còn 4.800 tỷ đồng.
Gần 98% cổ phần Đạm Hà Bắc được sở hữu bởi Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem).