Sáng 11-5, tin từ UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết Phó Chủ tịch UBND tỉnh này là ông Nguyễn Thanh Hùng vừa chỉ đạo cho các cơ quan chức năng, báo chí trên địa bàn tỉnh cung cấp thông tin chính thống về sự kiện khánh thành cầu Cao Lãnh .
Theo đó, Sở Giao thông vận tải phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Tháp, Sở Thông tin và Truyền thông, Tổng Công ty Đầu tư phát triển và Quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long khẩn trương tổng hợp thông tin các hạng mục công trình cầu Cao Lãnh đã hoàn thành, thông tin có liên quan về công tác chuẩn bị khánh thành cầu Cao Lãnh đang thực hiện.
Bộ Giao thông vận tải đã báo cáo Chính phủ Việt Nam và chờ ý kiến của Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Úc để thống nhất về thời gian khánh thành.
Trên cơ sở đó, Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Tháp thực hiện phóng sự về việc khánh thành cầu Cao Lãnh để người dân kịp thời nắm bắt thông tin, hạn chế tình trạng thông tin không đúng thời gian lễ khánh thành gây hoang mang dư luận. Thời gian thực hiện chậm nhất là ngày 12-5.
Về thời gian tổ chức lễ khánh thành và thông xe cầu Cao Lãnh, cũng theo UBND tỉnh Đồng Tháp, Bộ Giao thông vận tải đã báo cáo Chính phủ Việt Nam và chờ ý kiến của Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Úc để thống nhất về thời gian khánh thành.
Cầu khởi công vào năm 2014
Cùng với cầu Vàm Cống (bắc qua sông Hậu), cầu Cao Lãnh thuộc Dự án giao thông kết nối trung tâm ĐBSCL. Cầu Cao Lãnh là cầu dây văng bắc qua sông Tiền nối liền TP Cao Lãnh và huyện Lấp Vò của tỉnh Đồng Tháp. Cầu có 34 nhịp dẫn, 65 nốt dầm, 128 bó cáp. Tháp dây văng hình chữ H cao 120 m. Cầu khởi công vào năm 2014, hợp long vào tháng 9-2017 nhưng không kịp hoàn thành và thông xe vào cuối năm 2017 như dự kiến
Theo thiết kế, cầu Cao Lãnh dài hơn 2.027,7 m, nhịp chính dài 350 m, bề rộng mặt cầu 24,5 m, có 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ. Vận tốc thiết kế lên đến 80 km/h.
Tổng vốn đầu tư của cầu Cao Lãnh khoảng 3.000 tỉ đồng từ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Australia, vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ABD) và vốn đối ứng của Việt Nam.