Theo bà Hà, hiện nay mỗi ngày chợ đầu mối nông sản Thủ Đức tiếp nhận khoảng 3.500 tấn – 5.000 tấn hàng hóa, trong đó phần lớn là nông sản từ các tỉnh, thành. Sản lượng càng tăng, lượng rác theo đó tăng cao, khoảng 60 tấn/đêm. Tuy nhiên, do không có nơi xử lý rác thải nên tiềm ẩn nhiều vấn đề về môi trường, sức khỏe cộng đồng. Công ty phải tốn nhiều chi phí để xử lý rác thải: ký hợp đồng với công ty môi trường 35 triệu đồng/tháng những năm đầu, hiện lên 350 triệu đồng/tháng và còn cao hơn trong thời gian tới. Bên cạnh đó phải tổ chức đội ngũ nhân viên vệ sinh 14 người với chi phí 130 triệu đồng/tháng.
Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức luôn trong tình trạng tràn lan rác. Ảnh: Ngọc Ánh
Nếu lượng nông sản từ các tỉnh về chợ được sơ chế tận gốc thì lượng rác về TP HCM sẽ giảm, chi phí cho xử lý rác cũng sẽ giảm bớt còn hiện tại mỗi thương nhân tự tổ chức sơ chế tại chợ nên gây khó khăn cho công ty.
Trong khi đó, nếu sơ chế tận gốc, nông dân tận dụng được rác thải nông sản làm phân bón hữu cơ để giảm chi phí cho người sản xuất và sản phẩm sẽ sạch hơn. Sản phẩm sau khi sơ chế cần thiết thì có bao bì bọc lại, xây dựng nhãn mác để tăng chất lượng, giá trị sản phẩm thay vì nhồi nhét làm giảm chất lượng sản phẩm. "Hàng Trung Quốc do được bảo quản tốt, không bị bầm dập nên được ưa chuộng trong khi hàng Việt Nam chất lượng tốt hơn nhưng không được bảo quản tốt nên mất sức cạnh tranh ngay trên sân nhà. Củ cải đỏ, củ cải trắng, bắp cải, cải thảo cần sơ chế trước khi về chợ. Như hiện tại, các mặt hàng này đem về chợ đầu mối sơ chế vừa tốn nước, vừa ảnh hưởng vệ sinh chợ và phát sinh nhiều rác thải. Ngoài ra, sản phẩm khi xuất ra khỏi tỉnh nên được tỉnh kiểm định, như vậy khi đưa ra thị trường sẽ giúp người tiêu dùng yên tâm hơn. Rất mong các tỉnh quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong các vấn đề này" – bà Hà kiến nghị.