Chị Nguyễn Thị Đan, Giám đốc Công ty Thắng Lợi ở khu công nghiệp An Thạnh, huyện Cái Bè (khu vực chợ gạo Bà Đắc) chuyên gia công, chế biến gạo cung cấp thị trường nội địa cho biết: Một tuần sau ngày gạo ST24 được vinh danh tại cuộc thi gạo ngon nhất thế giới, lập tức có bạn đặt hàng.
Tìm gạo ngon cơm tại Hội thi gạo ngon lúa thơm ở Sóc Trăng – Ảnh: H.D
Hai năm trước, gạo “Hạt Ngọc Trời – Thiên Long” (giống AGPPS103) của Tập đoàn Lộc Trời đạt Top 3 gạo ngon nhất thế giới cũng hút hàng, nhưng năm sau diện tích cũng chỉ 10.000ha, gạo không đủ bán. Chị Đan nói, chính vì vậy thương lái phải “nhào vô” mua giống và gởi tiền cho nông dân trồng, chứ đợi các công ty triển khai rất chậm.
“Ở khu chợ gạo Bà Đắc, mấy năm gần đây, tiểu thương bắt đầu xắn quần lội ruộng, đặt hàng, gởi giống, gởi tiền ứng trước để nông dân trồng. Khỏi nói bao tiêu, vì không mua vô chẳng lẽ bỏ vốn đã gởi?”, chị Đan nói.
Trước đây, thương lái thường chọn gạo thơm lài đóng túi, nhưng phải mua lúa mùa từ Campuchia, giá khoảng 15.000 đồng/kg. Hai năm nay, miền Tây có ST20 và nhiều giống của Viện Lúa, ngon cơm, tội gì phải qua bên đó mua giá cao hơn, theo chị Đan.
Chị Võ Thị Thắm từng gởi tiền ứng trước giống, xác nhận cho nông dân trồng lúa (ở vùng tây sông Hậu, bán đảo Cà Mau, đến Sóc Trăng tìm giống ST24) cảnh báo: Trước đây, thương lái đường dài đi gạo RVT sang Trung Quốc, nay cũng bắt đầu chuyển sang ST24. Nếu cứ đi tiểu ngạch và số lượng chưa nhiều, nên để cho dân mình ăn.
Hàng năm vào mùa làm hàng bán gạo tết, trước khi vào vụ đông – xuân, thương lái thường về vùng ven biển ở đồng bằng sông Cửu Long chọn mua giống lúa, đặt hàng nông dân trồng do vụ lúa này gạo có chất lượng tốt nhất. Chị Thắm cho biết, vụ đông – xuân năm nay (2017 – 2018) chị đã mua 32 tấn lúa thơm trồng ở Cà Mau và 31 tấn lúa giống ứng trước cho nông dân trồng ở Long An. Khoảng 250ha lúa thơm ST24 được nông dân trồng, tiền ứng trước 2 – 3 triệu đồng/ha, giá lúa tạm tính là 5.000 đồng/kg.
“Công việc dồn dập nhất là lúc lúa chín và sau thu hoạch, phải chuẩn bị đủ phương tiện vận chuyển lúa về nhà máy sấy, xay xát, chế biến, bảo quản gói gọn trong một tuần, vì trễ hơn sẽ giảm phẩm chất. Do đó, nếu vốn ít sẽ khó bề xoay trở”, chị Thắm nói về giới hạn, vốn mâu thuẫn với mong muốn tăng nhanh diện tích.
Tại Vĩnh Long, các thương lái liên kết với doanh nghiệp lấy chỉ tiêu và tiêu chí nguyên liệu, giống từ nhà máy rồi đặt hàng để nông dân yên tâm sản xuất. Anh Võ Văn Sơn, ban vận động câu lạc bộ hàng xáo Vĩnh Long, cho biết: Câu lạc bộ có khoảng 50 thương lái thân thích làm ăn gắn bó lâu nay, có năm cụm hàng xáo làm chủ điểm ở mỗi địa phương. Các thương lái tại mỗi điểm sẽ đặt hàng nông dân trồng lúa theo yêu cầu gạo thuần. Điều này giúp doanh nghiệp lấy lại lòng tin về chất lượng lúa với nhà máy và người tiêu dùng cuối cùng.