Nhiều nước trên thế giới đã chấp nhận Bitcoin như một phương tiện thanh toán phổ biến tuy nhiên ở Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước vẫn bảo lưu quan điểm không chấp nhận loại tiền ảo này. Tại Nghị định 80/2016/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt đã quy định rõ bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam; việc phát hành, cung ứng, sử dụng bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm.
Về chế tài xử lý vi phạm, theo quy định tại khoản 6 Điều 27 Nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính ở mức phạt tiền từ 150 triệu đến 200 triệu đồng. Đồng thời, từ ngày 01/01/2018, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 206 Bộ luật Hình sự 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Dẫu vậy, một số ý kiến vẫn cho rằng, trong xu thế toàn cầu hóa và sự phổ biến của đồng Bitcoin về phương diện pháp lý, nên chăng Việt Nam cũng chấp nhận như một hàng hóa đặc biệt để quản lý đồng tiền này, tránh những rủi ro không đáng có khi mà bản thân nó vẫn đang được hoạt động chui ở đâu đó.
Tuy nhiên theo Luật sư Trương Thanh Đức, việc sử dụng đồng tiền Bitcoin để giao dịch, đặc biệt là những giao dịch lớn, trong đó không loại trừ khả năng có những giao dịch bất hợp pháp thì sẽ rất nguy hiểm. Bởi không một ai có thể kiểm soát được đồng tiền đi đâu, giá trị hàng hóa trao đổi như thế nào, chính vì vậy nó sẽ tăng nguy cơ lợi dụng lỗ hổng để vi phạm, trong đó không loại trừ khả năng rửa tiền, tài trợ khủng bố.
Luật sư phân tích, bất cứ giao dịch nào liên quan đến tài sản cần phải công khai và thực hiện những quy định nhất định về thanh toán, nộp thuế, thống kê báo cáo... Chính vì vậy, nếu các giao dịch hợp pháp được thực hiện qua ngân hàng thì rất khó có thể che giấu được dấu vết, dòng tiền và rất dễ bị phát hiện nếu có giao dịch bất hợp pháp. Bởi hiện nay, các giao dịch có giá trị vài trăm triệu một ngày phải báo cáo với Chủ tịch Nước và Bộ Công an để kiểm soát, theo dõi, còn đối với bitcoin, các giao dịch có thể lên đến hàng tỷ USD mà không ai biết.
Hiện tại, Việt Nam chưa công nhận loại tiền ảo này nên chúng ta cũng chưa có hành lang pháp lý để quản lý tiền bitcoin. Song luật sư Trương Thanh Đức khẳng định, chúng ta không thể kiểm soát được bitcoin vì bản chất của tiền này khác so với các loại tiền tệ khác khi nó không phải qua bất kỳ hệ thống giao dịch nào mà hoàn toàn tự giao dịch với nhau. Kể cả khi chúng ta công nhận loại tiền ảo này thì cũng chỉ với mục đích giải quyết tranh chấp khi có vấn đề xảy ra. Vì vậy, nó không khác nào ngoại tệ đen trôi nổi trên thị trường hiện nay.
Một chuyên gia khác về tài chính ngân hàng thì lo ngại Bitcoin cũng giống như hoạt động đa cấp, và nó có thể gây nên hậu quả kinh khủng hơn rất nhiều so với đa cấp thông thường, và ông cũng đồng tình với quan điểm không chấp nhận Bitcoin.
Ông lấy dẫn chứng, có nhiều người được cho là đại diện của Bitcoin tổ chức các buổi giới thiệu về cơ hội làm giàu bằng cách bỏ tiền thật mua tiền ảo. Họ tư vấn trực tiếp hoặc qua điện thoại với bất cứ đối tượng nào với những lời mời gọi hấp dẫn như có thể kiếm khoản tiền rất lớn chỉ sau 24h, rồi sẽ có tiền hoa hồng 20%, 30% hoặc hơn nếu giới thiệu được thêm càng nhiều người tham gia càng tốt. Không chỉ là những khoản tiền lãi, tiền hoa hồng hấp dẫn mà những người mời gọi đầu tư Bitcoin còn đưa ra các phần thưởng hấp dẫn như túi xách, đồng hồ hàng hiệu, thậm chí xe ô-tô hạng sang mỗi khi nhà đầu tư đạt mốc doanh thu và số lượng người tuyến dưới…
Còn nhớ hồi tháng 4, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có nhiều người đã tham gia vào mô hình giao dịch tiền ảo đa cấp Ngân hàng cộng đồng Bitcoin với số lượng khoảng 1.900 Bitcoin. Tương ứng với đó, các đối tượng lừa đảo đã chiếm đoạt hơn 22 tỷ đồng của người dân trong vùng. Điều đáng nói, trong số 300 người bị lừa đảo, có đến một phần ba số người không biết cách giao dịch trực tiếp mà phải nhờ người giới thiệu trung gian hoặc các đối tượng lừa đảo thực hiện. Trước đó, tháng 8/2016, Công an quận Bắc Từ Liêm đã bắt giữ ba đối tượng và lập hồ sơ, xử lý vi phạm liên quan đến mạng đa cấp Boss-bitcoin.com...
Trở lại với vấn đề lo ngại Bitcoin có thể gây hậu quả nghiêm trọng hơn đa cấp, vị chuyên gia nói trên phân tích, hoạt động đa cấp hiện nay chỉ nhắm đến những hàng hóa nhất định, và là hàng hóa nhìn thấy được và nó có giới hạn về nguồn cung. Nhưng với Bitcoin thì khác, nó liên quan đến tâm lý, người này đồn người kia thổi, câu chuyện về Bitcoin có thể nhanh chóng thu hút người khác hơn khi mà giá trị của đồng tiền ảo trên thế giới liên tục bị đẩy lên cao như hiện nay. Mặt khác, Bitcoin lại là không có thực, nó là “ảo” nên không giới hạn về số lượng cũng như giá trị, nên việc nó biến động ra sao không ai có thể đoán trước được.
Không chỉ là với những người ít hiểu biết về tài chính nhưng lại ham muốn kiếm thật nhiều tiền mà nói chung trong xã hội, do đồng Bitcoin đang trở thành tâm điểm nóng của toàn thế giới và đang tác động đến nhiều đối tượng, thì theo lời khuyên của các luật sư và chuyên gia, Việt Nam cần có những hành lang pháp lý rõ ràng đối với đồng tiền này, chứ đừng chỉ dừng lại ở nghị định về quản lý tiền mặt dưới sự giám sát quản lý của Ngân hàng Nhà nước.
Họ đồng thời cũng nhắn gửi tới người dân và nhà đầu tư rằng hãy cẩn trọng với những hình thức đầu tư còn chưa hợp pháp và biến động khó lường, trong đó có Bitcoin, để tránh để tiền mất tật mang.