Giá vàng SJC liên tục tăng - giảm trong hơn một tháng qua nhưng luôn duy trì trên ngưỡng 70 triệu đồng/lượng. Đáng chú ý, giá vàng miếng SJC đã đạt 'đỉnh' ở mức 80,3 triệu đồng/lượng trong phiên ngày 26/12/2023.
Cập nhật kết phiên ngày 2/2/2024, giá vàng SJC tại TP. Hà Nội và Đà Nẵng mua vào ở mức 76,2 triệu đồng/ lượng và bán ra ở mức 78,5 triệu đồng/lượng. Tại TP. Hồ Chí Minh, vàng SJC mua vào và bán ra lần lượt là 76,2 triệu đồng/lượng và 78,5 triệu đồng/lượng. Như vậy, so với thời điểm rạng sáng ngày 1/2/2024, giá vàng SJC đã điều chỉnh tăng 600.000 đồng ở cả chiều mua và chiều bán.
Còn tại thương hiệu DOJI, giá vàng miếng SJC ở mức 76,05 triệu đồng/ lượng mua vào và 78,45 triệu đồng/lượng bán ra, tăng lần lượt 800.000 đòng và 600.000 đồng so với sáng qua.
Giá mua và giá bán vàng SJC tại thương hiệu Bảo Tín Minh Châu đang lần lượt là 76,25 triệu đồng/lượng và 78,35 triệu đồng/lượng, tăng 800.000 đồng chiều mua và 550.000 đồng chiều bán.
Trên thế giới, cập nhật giá vàng thế giới lúc 19h (ngày 2/2) tăng nhẹ quanh mức 2.055 USD/ounce bất chấp Cục Dự trữ Liên bang tỏ ra không quan tâm đến việc giảm lãi suất trong tháng 3. Trong tuyên bố chính sách tiền tệ hôm thứ Tư, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã bác bỏ suy đoán về việc giảm lãi suất cho đến khi các nhà hoạch định chính sách tin tưởng hơn rằng lạm phát cơ bản sẽ quay trở lại mục tiêu 2% một cách bền vững. Việc từ chối nghiêm ngặt việc cắt giảm lãi suất vào tháng 3 đã khiến nhà đầu tư chuyển kỳ vọng sang cuộc họp chính sách tháng 5.
Có mặt tại một cửa hàng đổi tiền trên phố Hà Trung, chị Phùng Thanh Trúc (30 tuổi, Hà Nội) cho biết, năm nay nhu cầu đổi tiền mới của chị ít hơn mọi năm.
"Mọi năm gia đình tôi thường đổi khoảng 20 triệu đồng tiền mới để mừng tuổi, đi lễ chùa mỗi dịp Tết. Tuy nhiên, năm nay kinh tế khó khăn nên gia đình chỉ đổi khoảng 5 triệu để mừng tuổi các cụ lớn thôi, chứ không cầu kỳ, chỉn chu như mọi năm", chị Trúc nói.
Cũng tương tự, anh Quang Anh (Hoàn Kiếm, Hà Nội) có nhu cầu đổi tiền cho biết: "Năm nay, tôi thấy tỷ giá ở mức cao hơn so với mọi năm nên chỉ đổi tiền mới đủ dùng thôi. Giá vàng cao nên tôi nghĩ cũng ít nhiều ảnh hưởng đến chênh lệch tỷ giá khi đổi tiền mới".
Trong khi đó, nhân viên tại một cửa hàng giao dịch trên phố Hà Trung cho biết, lượng khách năm nay sụt giảm hơn so với những năm qua.
"Khách đến tham khảo nhiều hơn là đổi tiền, đổi USD hay bán vàng. Hàng năm, tầm này (23 - 24 tháng Chạp - PV) khách ở khu Hà Trung này nhộn nhịp lắm cả khách buôn lẫn khách lẻ, còn năm nay thì ngồi chơi vài tiếng là bình thường. Các mối khách buôn quen là các tiệm vàng/bạc ở Hà Nội năm nay cũng giảm giao dịch tiền mới so với mọi năm", nhân viên bán hàng chia sẻ.
Theo tìm hiểu, tỷ giá giao dịch đổi tiền mới năm Giáp Thìn năm nay tăng nhẹ so với những năm trước. Cụ thể, với loại tiền 100 - 200 nghìn đồng, tỷ giá giao dịch là 80 nghìn đồng/1 triệu; tiền 10 - 20 - 50 nghìn đồng đắt hơn khi giao dịch ở mức 99 nghìn đồng/triệu.
Vừa qua, trước những diễn biến phức tạp của thị trường trong nước làm giá vàng biến động mạnh, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện 1426/CĐ-TTg ngày 27/12/2023 về các giải pháp quản lý thị trường vàng. Trong đó nhấn mạnh yêu cầu: "Dứt khoát không để tình trạng 'vàng hóa' nền kinh tế, không để tác động tiêu cực đến tỉ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối và an toàn, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia".
Theo ông Nguyễn Việt Anh - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TP Bank chia sẻ: "Vấn đề cần phải hiểu là hàm lượng vàng của một lượng vàng không thay đổi, giá trị vàng trên thế giới có tăng nhưng không tăng quá nhiều, vậy cơ sở nào mà chúng ta tăng lên đến 10% được. Ở đây là câu chuyện sự kỳ vọng quá lớn và có tâm lý "bầy đàn" về việc lo ngại giá vàng sẽ tăng cao trong thời kỳ tiếp theo"
Ông nhấn mạnh về tính thanh khoản của thị trường. Nếu như thị trường thanh khoản ít, tức là cầu nhiều cung ít, thì đây là yếu tố sẽ khiến giá tăng rất mạnh bởi chỉ có người mua mà không có người bán. Đối với người bán, họ cho đây là quyết định đúng vì họ thấy có lời. Đây là cơ chế để hình thành tất cả các loại bong bóng trong thị trường tài chính.
Về khuyến nghị, TS. Trần Thọ Đạt – Chuyên gia kinh tế, Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, thời gian tới, cần sớm tham khảo kinh nghiệm của nhiều nước để cho phép Sở Giao dịch Hàng hóa được giao dịch mặt hàng vàng kỳ hạn thông qua các loại hợp đồng, như hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng quyền chọn như các quốc gia tiên tiến trên thế giới nhưng đồng thời các thành viên tham gia phải đáp ứng được tiêu chuẩn chặt chẽ và được phép xuất nhập khẩu vàng căn cứ vào các điều kiện hợp đồng... do sở giao dịch đó ban hành.
Thứ hai, cần thành lập quỹ tín thác (ETF) vàng như công cụ tài chính quốc tế, và chứng chỉ quỹ này cũng có thể mua trên sở giao dịch để khuyến khích người dân gửi vàng, bỏ vốn vào sản xuất kinh doanh, đầu tư, thay vì nắm giữ vàng miếng. Nếu quỹ tín thác này có thể tham gia mua bán các sản phẩm phái sinh hiện đại giống các sàn giao dịch trên thế giới thì quỹ tín thác bằng vàng sẽ có vai trò như quỹ bình ổn, giảm bớt áp lực đối với cơ quan hoạch định chính sách tiền tệ, cơ quan quản lý và khi giá vàng xảy ra hiện tượng sút giá, góp phần tạo lập môi trường kinh tế vĩ mô ổn định.
Đại diện thương hiệu Bảo Tín Minh Châu khuyến cáo người dân và nhà đầu tư cân nhắc giá vàng trước khi giao dịch và thường xuyên theo dõi vàng trên các kênh chính thống để đưa ra quyết định đúng đắn nhất.