Số chuyến bay tới các nước còn rất ít, trong khi vận tải hàng không quốc tế đóng góp 50% tổng doanh thu của Vietnam Airlines và Vietjet. Bay nội địa mới nhen nhóm hồi phục. Suy kiệt dòng tiền, hàng không trong nước vẫn hụt hơi.
Suy kiệt dòng tiền
Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng và trực tiếp tới ngành hàng không toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Mới đây, giải trình về biến động lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2020, Vietnam Airlines cho hay tổng doanh thu và thu nhập khác của công ty mẹ giảm trên 67% so với cùng kỳ năm 2019 (giảm hơn 18.012 tỷ đồng), trong đó chủ yếu là doanh thu cung cấp dịch vụ giảm mạnh, lên tới 50% so với cùng kỳ, tương đương giảm 18.296 tỷ đồng (doanh thu hành khách nội địa giảm 43,5%, quốc tế giảm 63,1%, doanh thu thuê chuyến giảm 67%).
Tổng chi phí 6 tháng đầu năm của công ty mẹ giảm xấp xỉ 30% (giảm 10.845 tỷ đồng). Mức giảm doanh thu vẫn cao hơn giảm chi phí khiến lợi nhuận sau thuế của Vietnam Airlines giảm mạnh.
Tuy Chính phủ đã đồng ý mở lại đường bay tới một số nước, nhưng số chuyến bay còn rất ít (ảnh VNA) |
Tại Công ty CP Hàng không Vietjet Air (VJC), 6 tháng đầu năm nay ghi nhận doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 10.970 tỷ đồng, giảm 55% so với cùng kì năm ngoái; lỗ từ hoạt động vận tải hàng không 1.440 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên Vietjet ghi nhận lỗ vận tải hàng không trong 9 năm hoạt động, kể từ tháng 12/2011.
Hãng này đã phải chuyển nhượng các dự án đầu tư tài chính tích luỹ trong nhiều năm qua để bù đắp dòng tiền thiếu hụt và duy trì hoạt động kinh doanh chính là hàng không.
Sau dịch bùng phát ở Đà Nẵng và một số địa phương, tâm lý e ngại đi lại kết hợp với các tuyến bay nội địa rơi vào giai đoạn thấp điểm kéo dài khiến hãng hàng không trong nước vẫn vô cùng khốn khó.
Điển hình như Vietnam Airlines, từ khoảng 500 chuyến bay mỗi ngày, giờ hãng đang vận hành khoảng 200-300 chuyến. Doanh thu bay quốc tế chiếm tới 50% tổng doanh thu của hai hãng hàng không lớn nhất Việt Nam là Vietnam Airlines và Vietjet, nhưng thị trường này bị đóng băng để phòng dịch.
Gần đây Chính phủ đã đồng ý việc mở lại đường bay thương mại tới một số nước đã kiểm soát tốt dịch bệnh như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản,... Tuy nhiên, số lượng chuyến còn rất hạn chế và chưa nhắm vào khách du lịch nên các hãng hàng không trong nước với hơn 30.000 lao động sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn.
Hỗ trợ sớm, trước khi các hãng hết sức chịu đựng
Theo một số chuyên gia về kinh tế, ngành hàng không tăng trưởng từ 2-2,5% sẽ kích thích GDP tăng trưởng khoảng 1%. Điều này cho thấy ý nghĩa quan trọng của hàng không trong nền kinh tế nói chung.
Để vực dậy ngành hàng không, qua nghiên cứu về các gói cứu trợ, chính phủ các nước trên thế giới đã hỗ trợ trên 100 tỷ USD, bằng khoảng 25% tổng thiệt hại của ngành hàng không. Theo TS. Lương Hoài Nam, chuyên gia hàng không, việc hỗ trợ được thực hiện qua 3 gói chủ đạo:
Gói thứ nhất là chính sách tín dụng để chi trả tiền lương cho người lao động, đảm bảo công ăn việc làm, giảm thiểu việc sa thải và hỗ trợ tính thanh khoản, chi trả các khoản nợ đến hạn và nợ quá hạn,... Gói tín dụng bao gồm cả tín dụng ưu đãi lãi suất, thậm chí kể cả tài trợ và cho không. Như ở Mỹ, khoảng 1/3 là tài trợ và cho không.
Gói thứ hai là các biện pháp để giúp đỡ hàng không giảm đáng kể chi phí hoạt động trong thời buổi rất khó kiếm được doanh thu, nhiều khi là không có doanh thu như hiện nay.
Gói thứ ba hỗ trợ các hãng bay tăng lực về vốn thông qua sự kêu gọi các nhà đầu tư chính phủ và cộng đồng đầu tư tư nhân tham gia.
Các hãng hàng không kiến nghị hỗ trợ dài hơivề thuế và giá phí |
Trong điều kiện ở Việt Nam hiện nay, ông Lương Hoài Nam cho rằng, điều quan trọng là thực chất của các gói này nên như thế nào, thời gian có đủ nhanh để đáp ứng nhu cầu của các hãng hay không. Hơn nữa, về con số thực sự thì khoản tiền, khoản tài chính mang lại có giúp các hãng hàng không vượt qua khó khăn hay không.
Vừa qua, Hiệp hội các doanh nghiệp hàng không đã kiến nghị với chính phủ để tạo một gói hỗ trợ vay trung dài hạn với lãi suất ưu đãi cho tất cả các hãng hàng không, không phân biệt về thành phần doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân, với quy mô khoảng 25.000 đến 27.000 tỷ đồng (tức khoảng 1,2-1,3 tỷ USD).
Chuyên gia Lương Hoài Nam nhấn mạnh gói hỗ trợ này cần làm nhanh, làm sớm để có thể hiện thực hoá nhanh nhất khi các hãng hàng không thực sự đã cạn kiệt về nguồn tiền. Quy mô gói này bằng khoảng 1/3, 1/4 dự kiến thiệt hại mà các hãng hàng không Việt Nam sẽ phải chịu trong đại dịch Covid-19 này.
“Cá nhân tôi hiểu và ủng hộ gói này, và cần thực hiện sớm để nguồn vốn có thể đến với các doanh nghiệp trước khi họ không chịu được nữa”, ông Nam kiến nghị.
Bên cạnh đó, hỗ trợ về thuế và giá phí để giúp các hãng hàng không tiết kiệm chi phí. Trên thực tế, đã có một số biện pháp nhỏ lẻ đang được thực hiện, song thời gian áp dụng quá ngắn, từ 5 đến 6 tháng, chỉ tiết kiệm cho các hãng hàng không vài trăm tỷ đồng và cần chờ các Thông tư ban hành để hướng dẫn thực hiện. Do đó, ông Nam đề xuất nên kéo dài gói hỗ trợ này lên 18 đến 24 tháng, giúp các hãng tiết kiệm được 5.000-7.000 tỷ mới thoả đáng.
Cả hai gói giải cứu trên, nếu được triển khai, ông Lương Hoài Nam nhấn mạnh phải dựa vào nguyên tắc đối xử bình đẳng và tạo ra cạnh tranh lành mạnh. Bởi, việc tạo ra việc làm thì doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân nào cũng làm, đóng thuế cho nhà nước từ tất cả doanh nghiệp đều phải đóng thuế.
Ngoài ra là thu hút đầu tư vào các hãng hàng không Việt Nam. Nhà nước hoàn toàn có thể đầu tư vào hãng hàng không tư nhân. Ví dụ như chương trình 9 tỷ Euro của chính phủ Đức đầu tư vào hãng Lufthansa, hay hãng Thai Airways (Thái Lan) được đầu tư bằng một nguồn vốn phi nhà nước mặc dù hiện nay họ là hãng hàng không nhà nước.
“Tôi nghĩ nên có sự cởi mở để không trói buộc nhà đầu tư nhà nước và tư nhân, xem xét mọi cơ hội tái cấu trúc doanh nghiệp, ai đầu tư cũng phải đảm bảo nguyên tắc doanh nghiệp có thể hấp thụ được nguồn vốn, bảo toàn vốn và phát triển đầu tư”, ông Nam cho hay.
Ng.Hà