Người dân phản ánh những hạn chế của việc phát phiếu đi chợ theo ngày, giờ hiện nay đang được áp dụng trên địa bàn TP.HCM.
Chỉ được đi chợ theo phường: Khó đủ nhu cầu
7h sáng 2/8, Nguyễn Thanh Cường (quận Bình Thạnh) cầm trên tay tờ phiếu mua thực phẩm, xếp hàng chờ đến lượt vào siêu thị theo đúng khung giờ.
Tuy nhiên, bên cạnh đó bà Thanh Loan (quận Bình Thạnh) đang mua hàng lúc 7h30 lại cho biết: “Phiếu đi chợ ngày 2/8 của tôi quy định từ 12-14h, nhưng nếu giờ đó tôi vào siêu thị thì còn gì để mà mua. Cho nên tôi phải xếp hàng từ sớm”.
Theo phản ánh của người dân, phiếu này được tổ trưởng dân phố phát tới từng hộ gia đình. Người dân ở địa bàn phường nào sẽ chỉ được mua hàng ở các siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn phường đó. Phiếu phân chia các ngày, có giờ quy định và theo tổ dân phố, khu phố. Nhưng từ quy định trên tờ phiếu tới áp dụng vào thực tế là cả một vấn đề.
Xếp hàng mua sắm tại quận Bình Thạnh sáng 2/8 |
Ghi nhận của PV. VietNamNet trong các ngày 28-29-30/7, 1-2/8, lực lượng chức năng tại địa bàn thường xuyên phối hợp với nhân viên các siêu thị nhắc nhở người dân tuân thủ quy định trên phiếu mua hàng nhưng do nhu cầu mua lương thực, thực phẩm tăng cao nên rất khó kiểm soát.
Nhân viên tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi do thông cảm với việc khó mua hàng hóa của người dân ở thời điểm hiện tại nên chấp nhận châm trước. Lực lượng chức năng khi nhắc nhở người dân cũng nhận được câu giải thích tương tự, như "gia đình hết sạch đồ ăn nên mới phải ra ngoài". Chính điều này dẫn đến việc phân bổ luồng mua sắm lương thực, thực phẩm theo các ngày chưa đạt hiệu quả.
Trong khi đó, một số người dân lại cho rằng, quy định theo như phiếu mua hàng là cứng nhắc và nhiều khi cần linh động trong cách xử lý, để hài hòa với nhu cầu thực tế của người dân.
Quy định mua hàng theo phường tại một điểm bán thực phẩm thiết yếu |
“Tôi đi Vinmart lúc 9h30 thì không còn rau, sau đó ra siêu thị Bách Hóa Xanh cách đó không xa để mua bổ sung. Nhưng vì siêu thị Bách Hóa Xanh nằm ở phường khác nên tôi không được vào. Hai phường nằm cạnh nhau mà tôi không thể mua nổi bó rau”, chị Khánh Hòa (quận Bình Thạnh) nói vào sáng 30/7.
Không những vậy, theo quan sát, tình trạng người xếp hàng sớm vào trước và mua hàng hóa với số lượng lớn khiến người sau có ít lựa chọn, thậm chí hết hàng để mua là điều dễ thấy ở các siêu thị, cửa hàng tiện lợi ở thời điểm này.
Khó khăn nếu kênh phân phối hiện đại có F0
Hiện nay, việc cung ứng hàng hóa, lương thực thực phẩm thiết yếu hiện được thực hiện chủ yếu bởi hệ thống phân phối hiện đại làm gia tăng áp lực và gây ra nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao.
Bằng chứng, đã có 8/106 siêu thị, 137/2.895 cửa hàng tiện lợi tạm ngưng hoạt động do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Do vậy, lơi lỏng trong khai báo y tế sẽ rất khó truy vết nếu không may xuất hiện ca F0 tại các điểm mua sắm.
Mẫu “Phiếu mua hàng thiết yếu” mới được ban hành tại TP.HCM |
Cùng với việc hạn chế lưu thông giữa các quận - huyện, việc cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu tại địa phương sẽ do hệ thống phân phối trên địa bàn đảm trách. Như vậy, đối với các quận - huyện tại TP.HCM đang tạm ngưng hoạt động toàn bộ các chợ truyền thống sẽ khó khăn khi hệ thống phân phối hiện đại trên địa bàn có vấn đề sự cố (phát sinh ca nhiễm/ca nghi nhiễm và các tình huống phát sinh khác).
Sở Công Thương TP.HCM thừa nhận, việc áp dụng “thẻ đi chợ” tại các quận - huyện của thành phố chưa đồng bộ theo từng địa bàn, chưa có cơ chế kiểm tra và chưa đảm bảo khống chế lượng khách ra - vào điểm bán một cách phù hợp. Một số nơi còn tình trạng tập trung đông người và phát sinh nhiều vấn đề.
Trước tình hình trên, ngày 30/7, Sở Công Thương đã ban hành mẫu “Phiếu mua hàng thiết yếu” theo chuẩn mới tại TP.HCM. Cơ quan này cũng đề nghị các đơn vị nghiên cứu thực hiện tích hợp mã QR trên phiếu để phục vụ khai báo y tế đối với khách hàng, người ra vào các điểm bán.
Quảng Định