Đóng cửa 14 mỏ titan
Ngày 21/2, UBND tỉnh Bình Định cho biết, vừa đồng ý chủ trương cho đóng cửa mỏ đối với 14 mỏ khoáng sản titan tại xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ (chưa thực hiện hoàn thổ, trồng cây, phục hồi môi trường khu vực khai thác) như đã nêu tại Văn bản 254/STNMT-TNKS ngày 11/2/2020.
UBND tỉnh Bình Định giao Sở TNMT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan báo cáo, đề xuất cụ thể việc đóng cửa mỏ đối với từng trường hợp và tính toán tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với các mỏ khoáng sản, báo cáo đề xuất bổ sung vào quyết định đóng cửa mỏ.
Cục Thuế tỉnh Bình Định có nhiệm vụ truy thu các khoản nghĩa vụ tài chính phải nộp cho nhà nước (thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, tiền thuê đất…) theo quy định. Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh tiếp tục rà soát, truy thu tiền ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường với các doanh nghiệp để nộp ngân sách.
Thời điểm các doanh nghiệp được cấp phép khai thác titan rầm rộ trước đây đã khiến người dân huyện Phù Mỹ phản ứng dữ dội vì ô nhiễm. Ảnh: Tư liệu.
“UBND huyện Phù Mỹ rà soát các khu vực mỏ ngoài Quy hoạch thủy sản công nghệ cao, báo cáo nhu cầu sử dụng đất và đề xuất việc trích một phần tiền ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường để tu bổ lại hạ tầng tại xã Mỹ Thành, gửi Sở TNMT tổng hợp báo cáo đề xuất”, UBND tỉnh Bình Định yêu cầu.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay tất cả giấy phép khai thác titan (vàng đen) do UBND tỉnh Bình Định cấp tại xã Mỹ Thành đã hết hạn (cuối năm 2013) và các doanh nghiệp đã chấm dứt hoạt động khai thác.
UBND tỉnh Bình Định cũng đã có chủ trương không xem xét cấp mới giấy phép khai thác sa khoáng titan trên địa bàn toàn tỉnh, dành mặt bằng để phát triển các các dự án khác mang hiệu quả kinh tế, xã hội cao hơn.
Bài học lớn từ cấp phép “ồ ạt”!
Trước đó, cuối năm 2019, Báo Dân Việt đã đăng tải loạt bài “Vàng đen titan - một thời vàng son và những nỗi ám ảnh để lại”, phản ánh câu chuyện cách đây khoảng hơn 10 năm, những đồi cát, cánh rừng già cỗi có nhiệm vụ chắn gió, giữ nước ở vùng ven biển thuộc huyện Phù Mỹ (tỉnh Bình Định) là “chiếc bánh ngọt” thu hút hàng hàng chục doanh nghiệp lớn, nhỏ trên cả nước kéo về đào bới khai thác titan.
Doanh nghiệp kéo về đặt máy móc, xây dựng trụ sở vươn mình với mục đích khai thác, được nhà nước cấp phép, có giấy thông hành trong tay họ khoanh vùng khai thác khiến rừng dương ngã gục, người dân bức xúc, phản ứng quyết liệt.
Việc ký giấy cấp phép khai thác titan tràn lan từ Bộ TNMT, UBND tỉnh Bình Định trước đây đã khiến người dân không đồng thuận, gây ra những hệ lụy đáng tiếc tại “thủ phủ” titan Phù Mỹ. Những trận xung đột, đụng độ giữa dân với doanh nghiệp, dân với chính quyền… diễn ra liên tục, trong đó có yếu tố xuất phát từ ám ảnh hậu quả titan (vàng đen).
Doanh nghiệp đặt công cụ khai thác titan (vàng đen), riêng xã Mỹ Thành từng có 16 doanh nghiệp được UBND tỉnh Bình Định, Bộ TNMT cấp phép. Ảnh tư liệu.
Theo Chủ tịch UBND xã Mỹ Thành Đặng Văn Hợp, đã từng có 16 doanh nghiệp được cấp phép về xã khai thác titan nhưng đến nay đa số các doanh nghiệp đã hết phép hoặc đóng cửa mỏ, rời khỏi địa phương. Thời điểm cao trào, việc khai thác vàng đen giải quyết lao động nhưng hậu quả để lại khi khai thác ồ ạt, bụi bặm ô nhiễm, hầm hố gây chết người… khiến người dân phản ứng.
“Sau thời kỳ khai thác vàng đen rầm rộ thì 2 năm nay tình hình an ninh trật tự tại địa phương đã ổn định. Lúc này, không còn việc khai thác titan rầm rộ cũng như việc người dân phản đối quyết liệt nữa, nhưng chính quyền đã nhìn nhận được bài học quý giá về công tác dân vận, mọi việc phải tạo sự đồng thuận trong người dân. Những quyết định ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của dân thì phải được sự đồng ý, hợp với lòng dân thì mới triển khai thực hiện”, Chủ tịch UBND xã Mỹ Thành nói.
Khu vực hoàn thổ, trồng rừng sau khi khai thác titan ở huyện Phù Mỹ.
2 năm trở lại đây, nhiều dự án điện gió, điện mặt trời (năng lượng sạch, thân thiện với môi trường) được tỉnh Bình Định kêu gọi về địa phương để phát triển tiềm năng kinh tế, giải quyết lao động… nhưng thực tế đáng buồn đã xảy ra. Hầu hết các doanh nghiệp khi đi khảo sát, chuẩn bị công tác triển khai thì liên tục bị người dân ở huyện Phù Mỹ ngăn cản, phản đối dữ dội. Mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm khi người dân tràn ra quốc lộ, nhốt xe đoàn công tác, giữ cán bộ và yêu cầu đòi dừng dự án.
Lý do được đưa ra, trước đây trên địa bàn huyện Phù Mỹ có hàng chục dự án khai thác titan được các cơ quan chức năng cấp phép. Việc khai thác titan vô tội vạ ở khu vực ven biển diễn ra nhiều năm liền ảnh hưởng nặng nề đến đời sống người dân như: Rừng dương bị chặt phá dẫn đến hiện tượng cát bay, mực nước ngầm bị cạn kiệt, đường sá hư hỏng.
Vì vậy, họ lo ngại doanh nghiệp núp bóng làm dự án để khai thác titan (vàng đen), phá rừng dương phòng hộ ven biển, rào chắn lối đi ra biển và lo ngại chủ đầu tư sẽ bán dự án cho người nước ngoài... nên mới phản đối.
Tại các cuộc đối thoại với người dân Phù Mỹ, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng khẳng định, không có chuyện núp bóng titan và mong người dân ủng hộ dự án năng lượng sạch. Ảnh tư liệu.
Đã có rất nhiều cuộc đối thoại giữa người dân và người đứng đầu chính quyền tỉnh này là Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng được diễn ra. Chỉ sau những cuộc gặp dân trực tiếp thì mâu thuẫn mới được tháo gỡ, căng thẳng tạm xoa dịu.
Ông Hồ Quốc Dũng từng nhiều lần nhấn mạnh quan điểm xuyên suốt của lãnh đạo tỉnh là không đánh đổi môi trường, cuộc sống của người dân để lấy lợi ích kinh tế. Không có chuyện doanh nghiệp núp bóng khai thác titan, dự án chỉ làm năng lượng sạch.
“Nhà đầu tư làm đúng quy định thì chúng ta nên bảo vệ, tạo điều kiện cho họ làm, nếu doanh nghiệp vi phạm, tỉnh sẵn sàng đóng cửa, không bao giờ đánh đổi môi trường để lấy kinh tế. Riêng việc khai thác titan, đến lúc này tôi chưa ký bất kỳ quyết định nào cho ai khai thác titan cả.
Tôi còn làm Chủ tịch tỉnh, việc gì nhân dân không đồng tình vì gây ảnh hưởng môi trường, cuộc sống của dân thì dứt khoát không làm. Nếu xảy ra việc đó, tôi xin chịu trách nhiệm trước nhân dân. Được người dân bầu lên lãnh đạo tỉnh, cá nhân tôi không làm việc gì gây hại đến lợi ích của bà con cả. Chúng tôi luôn suy nghĩ ngày đêm, phải làm mọi cách để quê hương phát triển, cuộc sống người dân ấm no và con em có việc làm ổn định”, Chủ tịch Bình Định từng hứa trước người dân.