Nhiều tài khoản mạng xã hội rao bán xả lỗ bánh Trung thu còn hạn dùng đến cuối tháng 9 hoặc tháng 10 với mức giá chỉ còn 30-70% so với vài ngày trước Rằm tháng Tám (17/9).
Tài khoản Phương Nguyễn đăng bài bán bánh Trung thu nhãn hiệu Kinh Đô trọng lượng 150gr - 180g với mức giá chỉ 35.000 đồng/chiếc. Trong khi đó, chỉ vài ngày trước, giá của mỗi chiếc bánh thương hiệu này là 95.000 đồng.
Trong khi đó, bánh Trung thu nhãn hiệu Rosepie được rao bán giảm 70% so với trước đó, combo 5 bánh chỉ còn 125.000 đồng, khách mua 10 bánh chỉ còn 220.000 đồng, tương đương 22.000 đồng/chiếc.
Còn bánh Trung thu thương hiệu Maison được bán với giá 189.000 đồng/10 chiếc; bánh Trung thu Madam Hương được xả hàng với giá 200.000 đồng/6 chiếc...
Bên cạnh đó, những sản phẩm bánh Trung thu handmade còn được thanh lý với mức giá rẻ hơn, dao động từ 9.000 đồng đến 20.000 đồng/chiếc.
Chị Vũ Minh Quỳnh (quận Đống Đa, Hà Nội) đăng bài trên mạng xã hội để thanh lý nốt hơn 100 chiếc bánh Trung thu các loại.
Theo chị Quỳnh, chị và một người bạn chung tiền để nhập bánh nướng, bánh dẻo về bán trong dịp Tết Trung thu với mong muốn kiếm chút tiền lãi. Thời điểm hiện tại, chị đã thu đủ phần vốn bỏ ra, tuy nhiên vẫn còn hơn 100 chiếc bánh tồn kho. Vì thế chị buộc phải thanh lý giá rẻ với mong muốn kiếm thêm được chút nào hay chút đó.
"Số lượng bánh cũng không còn quá nhiều, nếu cứ giữ giá sẽ không có khách mua. Mình và người bạn quyết định thanh lý, giá nào cũng bán để nhanh hết hàng và tổng kết thu nhập mùa Trung thu này", chị Quỳnh nói.
Tương tự, chị Trần Thu Trang (quận Ba Đình, Hà Nội) cũng rao bán lô bánh Trung thu Maison với mức giá giảm tới 70% so với vài ngày trước thời điểm rằm tháng Tám.
Chị Trang cho biết, năm nay, thời điểm chuẩn bị đến Tết Trung thu, miền Bắc liên tục xảy mưa bão, do đó, nhu cầu mua bánh nướng, bánh dẻo của người dân cũng giảm mạnh.
"Tết Trung thu năm nay không có không khí như mọi năm do tình hình mưa bão phức tạp. Tôi nhập về 500 chiếc bánh Maison để bán, tuy nhiên đến giờ vẫn còn gần 200 chiếc. Hạn sử dụng của những chiếc bánh này chỉ còn khoảng nửa tháng, nên tôi buộc phải chấp nhận bán lỗ, dưới giá vốn để mong gỡ vốn. Những ngày tới, giá bánh có thể còn giảm tiếp", chị Trang nhận định.
Không chỉ trên chợ mạng, theo khảo sát, dù đã qua Tết Trung thu nhưng nhiều quầy bánh vẫn được mở trên các tuyến phố tại Hà Nội và đang giảm giá rất sâu để mời chào khách.
Trên các tuyến phố như Mỹ Đình, Thanh Nhàn, Giảng Võ, Trương Định... rất nhiều quầy bánh lưu động vẫn hiện diện và hầu hết đều treo biển "Đại hạ giá", "Giảm giá 50%", "Bánh trung thu hạ giá 25k - 35k". Mặc dù vậy, những lời mời chào hấp dẫn này vẫn chưa thu hút được nhiều khách hàng.
Trên phố Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng), một quầy bánh với tấm biển được in to dòng chữ "Bánh trung thu cao cấp đại hạ gíá" thu hút nhiều người đi đường, mặc dù vậy cũng không đông khách mua. Những chiếc bánh rẻ nhất tại đây được bán với giá 15.000 - 20.000 đồng/chiếc, các loại bánh thương hiệu cao cấp cũng được giảm giá 50 - 70%, chỉ còn 25.000 - 35.000 đồng/chiếc.
Theo nhân viên cửa hàng, các loại bánh được thu mua từ nhiều hãng, thương hiệu lớn và có đầy đủ nhãn mác, hạn sử dụng, khách hàng có thể hoàn toàn yên tâm về chất lượng.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Hải (quận Cầu Giấy, Hà Nội) vừa đặt mua 2 hộp bánh loại 4 chiếc bánh nướng từ một người rao bán trên mạng xã hội, với giá chỉ 150.000 đồng, rẻ hơn so với những ngày trước rất nhiều.
Theo chị Hải, giá bánh trung thu năm nay khá cao nên chị cũng không có điều kiện mua nhiều. Hiện tại, thấy trên mạng xã hội thanh lý những chiếc bánh nướng với giá chỉ bằng 1/3 so với vài ngày trước, chị đã mua 8 chiếc bánh với 3 vị khác nhau để cùng gia đình thưởng thức.
Theo tiết lộ của một nhân viên bán bánh trung thu , những sản phẩm không bán hết sẽ được công ty thu mua lại và phân loại riêng từng nhân bánh, vỏ bánh để làm thành các loại bánh chả, bánh nướng. Riêng với những loại hết hạn hay cận hết hạn sẽ được thu hồi và sử dụng làm thức ăn cho chăn nuôi.