Một điểm mới được đề xuất nhưng gây nhiều tranh cãi tại dự thảo sửa đổi Nghị định 83 đó là cho phép loại hình thiết bị bán xăng dầu mini được hoạt động.
Bộ Công Thương đang lấy ý kiến góp ý về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83 về kinh doanh xăng dầu.
Một trong những nội dung đáng chú ý được đưa ra, đó là cho phép "các thiết bị bán xăng dầu mini được lắp đặt và bán hàng tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa theo hướng dẫn của Bộ Công Thương phù hợp với các quy định hiện hành".
Góp ý dự thảo sửa đổi Nghị định 83, Bộ Công Thương cho rằng không cần thiết bổ sung thêm loại hình phương tiện bán xăng dầu mini. |
Trong văn bản tổng hợp ý kiến góp ý của các tổ chức, cá nhân và nội dung giải trình của Ban soạn thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, có một số ý kiến không ủng hộ việc cho bổ sung thiết bị bán xăng dầu mini.
Cụ thể, theo ý kiến của Bộ Công an, Dự thảo bổ sung loại hình phương tiện bán xăng dầu mini nhưng không giới hạn phạm vi, số lượng phương tiện, không quy định khoảng cách an toàn đến khu vực xung quanh, chưa quy định về trang bị chữa cháy…
Cũng theo Bộ Công an, nếu cho loại hình phương tiện này hoạt động tại các trung tâm, thành phố, thị xã, khu đông dân cư hoặc trên một địa bàn có nhiều phương tiện bán xăng dầu mini cùng hoạt động gây ô nhiễm, mất an toàn, ảnh hưởng mỹ quan.
"Hơn nữa, phương tiện bán xăng dầu mini dễ bị các phần tử xấu tấn công khủng bố, nhất là tại các mục tiêu bảo vệ hoặc địa điểm nhạy cảm chính trị. Ngoài ra hiện cả nước đã có nhiều cửa hàng xăng dầu bán lẻ và gia tăng theo thời gian cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ. Do đó, không cần thiết bổ sung thêm loại hình phương tiện bán xăng dầu mini", Bộ Công an nêu quan điểm.
Trước những ý kiến lo ngại nêu trên, Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì rà soát, giải trình cụ thể, báo cáo lại Chính phủ.
Báo cáo vấn đề này, mới đây Ban soạn thảo cho biết Dự thảo Nghị định quy định loại hình thiết bị bán xăng dầu mini được phép hoạt động nếu đáp ứng các yêu cầu như được kiểm soát về đo lường và kiểm định an toàn bởi các cơ quan chức năng theo quy định.
Ngoài ra thuộc sở hữu của thương nhân là đại lý hoặc tổng đại lý hoặc thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu hoặc thương nhân phân phối xăng dầu hoặc thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu hoặc thương nhân sản xuất xăng dầu có hệ thống phân phối theo quy định tại Nghị định này.
Theo Ban soạn thảo, thiết bị bán xăng dầu mini chỉ được phép hoạt động tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa. Địa bàn vùng sâu, vùng xa này được xác định theo các quy định hiện hành của Chính phủ (trong trường hợp các địa phương, doanh nghiệp có yêu cầu, Bộ Công Thương sẽ có hướng dẫn cụ thể).
Theo đó, địa bàn vùng sâu, vùng xa chỉ bao gồm các địa bàn miền núi, vùng dân tộc thiểu số, hải đảo theo danh mục địa bàn đến cấp huyện và không bao gồm các thị trấn, thị tứ nên sẽ không thể có việc các thiết bị này được bán ở các thành phố lớn như nội dung Bộ Công an nêu.
"Các thiết bị này được đặt cố định và chỉ được phép hoạt động khi đã được kiểm soát về đo lường và kiểm định an toàn bởi các cơ quan chức năng", Ban soạn thảo khẳng định.
Cũng theo Ban soạn thảo, việc quy định cho phép thiết bị bán xăng dầu mini được phép hoạt động nhằm khắc phục tình trạng các thiết bị tự chế hiện đang được các hộ kinh doanh nhỏ lẻ tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa kinh doanh mà không có sự kiểm soát và quản lý, dễ gây nguy cơ cháy nổ và không kiểm soát được nguồn gốc xuất xứ, giá bán xăng dầu cho người tiêu dùng.
Theo đó, các thiết bị bán xăng dầu mini thuộc hệ thống phân phối của các doanh nghiệp đã được cấp Giấy xác nhận kinh doanh xăng dầu khi được hoạt động sẽ giúp doanh nghiệp mở rộng địa bàn kinh doanh (nơi doanh nghiệp không muốn đầu tư cây xăng do kém hiệu quả), giúp người dân tại các vùng sâu, vùng xa tiếp cận được nguồn hàng xăng dầu tốt hơn.
"Hiện tại các địa bàn này, người dân phải đi vài chục km mới có thể mua được xăng dầu", Ban soạn thảo dự thảo nêu ý kiến.
(Theo Dân Trí)