Tại báo cáo vừa công bố mới đây, Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect nhận định, cho vay bán lẻ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính cho ngành ngân hàng và vẫn còn nhiều dư địa để mở rộng.
Trong năm 2018, tăng trưởng tín dụng đã giảm tốc theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Tăng trưởng toàn ngành chỉ đạt 13,9%, mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại và thấp hơn mục tiêu 17% của Ngân hàng Nhà nước đặt ra hồi đầu năm.
Cũng trong năm 2018, GDP của Việt Nam đạt 7,1%, mức cao nhất trong 11 năm. Do đó, sang năm 2019, Ngân hàng Nhà nước đã thay đổi trọng tâm sang kiểm soát lạm phát, song song với việc thắt chặt quản lý tăng trưởng tín dụng với mức 14%.
Cho giai đoạn 2019 - 2020, VNDirect dự báo mức độ tăng trưởng tín dụng khoảng 14-15% mỗi năm dựa trên các yếu tố như lạm phát đã có dấu hiệu tăng trở lại; nguồn vốn tín dụng bị hạn chế hơn do chính sách điều hành; chính sách thắt chặt tiền tệ của các nước trong nhóm ASEAN; tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam.
Ở khía cạnh khác, một thay đổi tích cực so với chu kỳ bùng nổ tín dụng trước đây là nhu cầu tín dụng hiện nay chủ yếu đến từ cá nhân và các công ty tư nhân, bao gồm cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs).
Trong khi đó trước đây, một phần lớn tín dụng được cấp cho ngành bất động sản và các doanh nghiệp nhà nước. Tỷ trọng tín dụng cho doanh nghiệp nhà nước vay đã giảm mạnh xuống mức 6,4% trong năm 2018, so với mức 25-26% trong giai đoạn 2011-2013.
VNDirect cho rằng việc này được hỗ trợ phần nào bởi việc cổ phần hóa của các doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của cho vay cá nhân là yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng tín dụng toàn ngành, dẫn tới sự thay đổi cơ cấu tín dụng đã đề cập ở trên.
Tín dụng cá nhân đang có tốc độ tăng trưởng chóng mặt.
Theo VNDirect, dư địa tăng trưởng tín dụng trong phân khúc tiêu dùng và doanh nghiệp tư nhân vẫn còn nhiều.
Tại phân khúc tiêu dùng, VNDirect cho biết, tỷ lệ thâm nhập của tín dụng hộ gia đình ở mức 47,9% GDP vào thời điểm tháng 12/2018 vẫn thấp hơn so với các nước như Thái Lan (78,6%) và Malaysia (82,1%), trong khi các nước này có mức độ tín dụng/GDP tương đương Việt Nam (lần lượt ở mức 128% và 139% so với 130% ở Việt Nam).
Về phân khúc doanh nghiệp tư nhân, số lượng doanh nghiệp đăng ký kinh doanh mới tiếp tục tăng trưởng 16% trong năm 2018 trong khi số lượng doanh nghiệp đóng cửa giảm 5% so với năm 2017.
"Tuy nhiên chúng tôi tin rằng yếu tố chính giúp các ngân hàng thành công trong cạnh tranh ngân hàng bán lẻ là dịch vụ và nhân lực bán hàng. Khả năng phân phối và bán hàng sẽ là các yếu tố quan trọng để chiếm lĩnh thị phần trong phân khúc này. Do đó, ngân hàng có mạng lưới rộng, tập khách hàng lớn sẽ có lợi thế hơn", VNDirect nêu quan điểm.