Thiếu vốn cho vay nhà ở xã hội
Trao đổi với PV Báo Lao Động, anh Nguyễn Văn V (Hà Nội) cho biết: “Gói vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP (Nghị định 100) với lãi suất 4,8% là rất hấp dẫn nếu so với mặt bằng lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, việc đăng ký thủ tục lại quá phức tạp khiến tôi nản lòng”. Theo anh V, để vay được vốn, người vay cần đáp ứng các tiêu chí như cần có hộ khẩu hoặc đăng ký tạm trú tạm vắng dài hạn tại Hà Nội. Sau đó người vay tham gia vào Tổ tiết kiệm và vay vốn tại phường cư trú. Sau khi người vay gửi hồ sơ, Tổ tiết kiệm và vay vốn sẽ họp bình xét. Nếu hồ sơ được chọn sẽ gửi lên UBND xã rồi từ đó mới gửi tới NHCSXH xét hồ sơ. Với bằng đó bước thủ tục và thời gian, anh V đã quyết định đi vay tiền từ người thân và bạn bè để mua nhà.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Lý - Phó Tổng Giám đốc NHCSXH - cho biết, dự kiến từ nay đến cuối năm 2018, NHCSXH căn bản sẽ thực hiện nốt số vốn còn lại để đảm bảo chỉ tiêu giải ngân 1.000 tỉ đồng. Theo đại diện NHCSXH, triển khai chương trình cho vay này, Chính phủ đã bố trí nguồn vốn đến năm 2020 là 2.316 tỉ đồng, riêng năm 2018, Chính phủ bố trí 1.000 tỉ đồng. Đến nay NHCSXH đã triển khai tới tận các thị xã, thành phố trên toàn quốc và có 50 tỉnh, thành có dư nợ với khoảng 200 tỉ đồng với trên 700 khách hàng vay.
Lý giải vì sao nhận định số tiền 1.000 tỉ đồng này không thấm vào đâu so với nhu cầu cần vốn hiện nay để phát triển các dự án nhà ở xã hội, TS Trương Huy Mai đưa ví dụ: Câu chuyện mới nhất liên quan đến tình trạng bí vốn phát triển dự án nhà ở xã hội vừa xảy ra tại TPHCM, đó là việc Cty Địa ốc Hoàng Quân, đơn vị liên kết phát triển dự án nhà ở xã hội 35 Hồ Học Lãm, quận Bình Tân đã kêu gọi khách hàng muốn nhận nhà thì cho Cty vay 20% giá trị hợp đồng căn hộ với lãi suất 1%/tháng để tiếp tục thực hiện dự án này, vì hiện nay, Cty đã hết tiền thực hiện dự án này, trong khi dự án đã quá hạn bàn giao từ lâu.
Không chỉ chủ đầu tư khổ vì thiếu vốn, mà khách hàng cũng lâm vào thế khó. Đa số người mua nhà tại đây có thu nhập thấp, phải vay mua nhà ở xã hội của ngân hàng từ 400-700 triệu đồng. Khi dự án chậm tiến độ, khách hàng vừa phải đi thuê nhà, vừa phải trả tiền lãi ngân hàng, trung bình từ 5 - 7 triệu đồng/tháng. Việc hàng loạt dự án nhà ở xã hội dừng triển khai, trong khi nhu cầu nhà ở xã hội tại Việt Nam đang cấp bách, được giới phân tích cho rằng, đến từ việc thiếu khoản vay cho nhà ở xã hội. Trong đó, việc gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỉ đồng hết sứ mệnh lịch sử khiến hàng loạt dự án nhà ở xã hội xây dựng dở dang phải giãn tiến độ. Thậm chí, có một số dự án chủ đầu tư đã chậm bàn giao căn hộ trong thời gian rất dài.
Thiếu vốn là một trong những khó khăn trong việc cho vay nhà ở xã hôi. Ảnh: P.V
Vướng mắc trong giải ngân
Trao đổi với PV về vướng mắc trong quá trình giải ngân vốn, ông Nguyễn Văn Lý cho biết, hiện vẫn còn nhiều vướng mắc khi giải ngân vốn cho chương trình này. Một trong những vướng mắc lớn nhất là trường hợp căn hộ nhà ở xã hội đã được chủ dự án thế chấp để gọi vốn từ các ngân hàng khác, nay người dân muốn vay vốn để mua nhà của họ thì chủ dự án phải giải chấp căn hộ đấy. Việc giải chấp căn nhà cần rất nhiều thời gian.
Thêm một vấn đề nữa, người vay vốn để sửa chữa hay xây nhà phải có hộ khẩu cư trú hợp pháp. Những người dân chưa có hộ khẩu cư trú cần làm thủ tục chuyển đổi. Một số trường hợp người vay vốn để mua nhà được xây dựng trên đất không nằm trong quy hoạch hoặc chưa được phê duyệt... sẽ gặp khó khăn trong việc vay vốn.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM - cho biết, câu chuyện việc phát triển nhà ở xã hội vẫn tiến triển rất chậm, nhiều khó khăn, ách tắc do nhiều điểm nghẽn lớn nhất chính là nguồn vốn tín dụng. Nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho các tổ chức tín dụng để cho vay thực hiện chính sách nhà ở xã hội, đến nay vẫn chưa được bố trí. Sau khi gói tín dụng 30.000 tỉ đồng giải ngân hết vào cuối tháng 12.2016 thì cho tới nay không có nguồn vốn để tiếp tục cho vay.
Luật Nhà ở về ưu đãi chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội quy định chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được vay vốn ưu đãi từ NHCSXH. Trường hợp chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê thì được vay vốn với lãi suất thấp hơn và thời gian vay dài hơn so với trường hợp xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê mua, bán. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội không được vay ưu đãi, bởi lẽ tại khoản 2 điều 33 Nghị định 100 là văn bản quy phạm pháp luật dưới luật, nhưng lại quy định, trong giai đoạn 2015-2020, NHCSXH chưa thực hiện cho vay đối với các các chủ đầu tư dự án xã hội kể cả các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội đã được ngân hàng thương mại ký hợp đồng cho vay gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng.
Ngoài ra, theo Luật Nhà ở, các nguồn vốn để phát triển nhà ở xã hội để cho thuê, cho thuê mua, trong đó có “vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ” có thể hiểu là bao gồm cả các nguồn vốn viện trợ, vốn ODA của nước ngoài, nhưng cho đến nay, vẫn chưa có cơ chế hướng dẫn thực hiện.
Ông Châu cho biết, hiện nay có một số tổ chức nước ngoài có thể hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi, dài hạn cho TPHCM để phát triển nhà ở xã hội, nhưng yêu cầu phải có văn bản bảo lãnh của Bộ Tài chính. Nếu có thêm nguồn vốn này sẽ tạo điều kiện phát triển nhà ở xã hội với quy mô lớn hơn, nhanh hơn. Hiệp hội kiến nghị Bộ Tài chính có cơ chế bảo lãnh các nguồn vay ODA để phát triển nhà ở xã hội của các tỉnh, thành phố khi có nhu cầu này.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Lý - Phó Tổng Giám đốc NHCSXH - cho biết, nguyên nhân tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh đến nay giải ngân vẫn ít là do một số dự án chủ đầu tư đã thế chấp vay vốn ở các ngân hàng khác chính vì vậy nên không thể giải ngân cho đối tượng vay vốn tại các dự án này. Bên cạnh đó, ở hai thành phố này cũng đều có những chương trình riêng khác về nhà ở xã hội. Ngoài ra, tâm lý người dân tại hai thành phố này cũng còn đang cân nhắc vay kiểu gì, vay như thế nào... P.V