Quy định và thực tế
Mặc dù Thông tư 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của NHNN quy định hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã chính thức có hiệu lực kể từ ngày 15/03/2017. Và căn cứ khoản 4 điều 8 Thông tư 39, các tổ chức tín dụng không được cho vay đối với nhu cầu vốn để mua vàng miếng.
Căn cứ khoản 2 Điều 15 Nghị định 96/2014/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, quy định phạt tiền từ 15 đến 20 triệu đồng đối với hành vi không kiểm tra, giám sát sử dụng vốn vay và trả nợ vay của khách hàng theo quy định pháp luật.
Quy định pháp luật là vậy, tuy nhiên trên thực tế, đâu đó vẫn còn tình trạng một số nhân viên ngân hàng hồn nhiên tư vấn cho khách hàng vay vốn để mua vàng miếng ngay tại ngân hàng mình. Trong vai khách hàng dạo quanh một số ngân hàng hỏi về vấn đề này, sẽ không khó để bắt gặp các trường hợp cho vay với mục đích mua vàng miếng diễn ra hàng ngày.
Trường hợp 1: nếu bạn có quyển sổ tiết kiệm của ngân hàng đó thì có thể dễ dàng được vay cầm cố và vô tư mua vàng tại ngân hàng đó. Biên độ lãi suất vay cầm cố ở các ngân hàng dao động từ 1 đến 3% cộng thêm so với lãi suất trên sổ tiết kiệm. Cụ thể, nếu lãi suất trên sổ tiết kiệm của bạn đang là 7%/năm, thì bạn thường sẽ được vay cầm cố với lãi suất từ 8 đến 10%/năm, tùy theo ngân hàng và kỳ hạn vay. Sau khi giải ngân, khách hàng có thể vô tư cầm số tiền vừa giải ngân để mua vàng ngay tại ngân hàng, thậm chí là không cần nhận tiền ra mà cấn trừ toàn bộ số tiền vừa vay được để thanh toán tiền mua vàng. Như vậy, trong trường hợp này, cán bộ nhân viên ngân hàng hoàn toàn biết rõ mục đích vay vốn của khách hàng là để mua vàng miếng.
Trong trường hợp này, nhiều nhân viên ngân hàng cũng không biết mình đang vi phạm pháp luật. Vì theo họ thì khách hàng có sổ tiết kiệm thì có quyền vay vốn. Và sau khi vay thì việc làm gì là quyền của họ, không mua vàng ở ngân hàng cấp tín dụng thì khách hàng vẫn có thể qua ngân hàng khác để mua thì sao kiểm soát được? Là dân tín dụng, nếu bạn suy nghĩ và lý giải vấn đề như vậy, nghĩa là bạn đang xem thường các quy định về mục đích sử dụng vốn và giám sát việc sử dụng vốn vay của khách hàng.
Trường hợp 2: khách hàng chỉ có một phần tiền, không đủ để mua vàng. Và nhân viên ngân hàng tư vấn cho khách hàng vay vốn và vay cầm cố bằng "số vàng hình thành trong tương lai" (vàng được hình thành bằng tiền vay để mua vàng và dùng chính số vàng đó để đảm bảo khoản vay đó). Trong trường hợp này, nếu thực hiện bán vàng trước hay cho vay trước đều sai quy định. Hạch toán bán vàng trước thì vào thời điểm đó khách hàng chưa có đủ tiền. Còn hạch toán giải ngân trước thì vào thời điểm giải ngân khách hàng chưa có tài sản đảm bảo cho khoản vay. Và điều quan trọng là mục đích của trường hợp này vẫn là cho vay để mua vàng - cũng là hành vi bị cấm.
Trên thực tế vẫn còn nhiều trường hợp vay vốn khác để mua vàng, nhưng bằng cách này hay cách khác, hoạt động cho vay mua vàng miếng vẫn diễn ra ở các ngân hàng. Vì đơn giản rằng, cho vay mua vàng sẽ giải quyết đồng thời hai mục tiêu là tăng dư nợ và doanh số mua bán vàng.
Cho vay mua vàng miếng: tinh ý sẽ dễ phát hiện
Mặc dù đối với các hồ sơ cho vay với mục đích mua vàng miếng thường được nhân viên ngân hàng làm "đẹp" chứng từ theo đúng quy định. Trong bộ hồ sơ họ có đầy đủ các hóa đơn, chứng từ thể hiện mục đích sử dụng vốn rất "hợp lý" của khách hàng. Nhưng "hợp lý" không đồng nghĩa hợp pháp. Và nhân viên ngân hàng không biết rằng, các công ty kiểm toán, thanh tra ngân hàng thừa kinh nghiệm và cảm quan nghề nghiệp để phát hiện hành vi gian dối, giả mạo chứng từ của cán bộ tín dụng. Cụ thể:
Thứ nhất, căn cứ vào bộ chứng từ sử dụng vốn của khách hàng đối với khoản vay. Cho dù bạn có làm bộ hồ sơ về chứng từ sử dụng vốn có hoàn hảo đến độ nào thì mọi sự giả tạo và có tính lặp lại nhiều lần thì nhất định sẽ có sơ hở như cạo xóa, photo chứng từ giống nhau, ngày tháng sai với logic thời gian,...
Thứ hai, đối với khách hàng vay vốn để mua vàng thì tần suất xuất hiện giao dịch trong tuần sẽ nhiều, nhất là vào các thời điểm giá vàng có nhiều biến động tăng hoặc giảm. Do đó, người tinh ý có thể căn cứ lịch sử giao dịch của các khoản giải ngân vào thời điểm nhạy cảm của giá vàng để khoanh vùng các trường hợp khách hàng sử dụng vốn sai mục đích (vay để mua vàng miếng).
Thứ ba, căn cứ vào lịch sử giao dịch của khách hàng trong ngày để phát hiện. Thông thường, một khách hàng vừa giải ngân (thường là các khoản vay cầm cố hoặc ngắn hạn) lại vừa đồng thời nộp tiền mua vàng thì rõ ràng là vay vốn với mục đích mua vàng miếng. Có trường hợp tinh vi hơn là nhờ người thân đứng tên trên giao dịch mua vàng. Nhưng những cán bộ ngân hàng có kinh nghiệm cũng dễ dàng nhận ra chiêu thức này, trừ khi chính nhân viên ngân hàng cũng tư vấn cho khách hàng như vậy.
Thứ tư, cho dù các phương thức có tinh vi đến đâu, bạn nhớ rằng tất cả các ngân hàng đều có camera quan sát. Những trường hợp khách hàng vay vốn, nhưng không thực nhận tiền mặt và dùng chính số tiền đó để cấn trừ cho giao dịch mua vàng thì hình ảnh vẫn còn lưu lại. Khi đó, dù bộ chứng từ cuối ngày của bạn có "đẹp" đến mấy, nhưng hình ảnh lưu trữ camera sẽ là chứng cứ quan trọng để khẳng định hành vi cho vay sai mục đích (cho vay để mua vàng miếng).
Khép lại câu chuyện cho vay mua bán vàng miếng, có lẽ nhiều người hẳn còn nhớ vụ đổi 100 USD bị phạt 90 triệu đồng của anh Nguyễn Cà Rê ở Cần Thơ. Mặc dù quyết định xử phạt vi phạm hành chính của anh Nguyễn Cà Rê sau đó không được thi hành. Tuy nhiên, đối với nhân viên ngân hàng và các ngân hàng hãy hết sức cẩn trọng và tỉnh táo với việc cho vay mua vàng miếng. Vì Nghị định 96 sẽ không có sự ngoại lệ vì sự "ngây ngô" cho vay mua vàng miếng.