Từ đó, cho vay ngang hàng (P2P - loại hình cho vay trực tuyến kết nối người cho vay và người vay, đơn vị cung cấp công nghệ làm trung gian thu phí dịch vụ) ngày càng phát triển, giải quyết nhu cầu vay tiền không cần tài sản thế chấp (tín chấp).
Số liệu của NH Nhà nước cho thấy có khoảng 40 công ty P2P hoạt động tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, một số công ty P2P đã biến tướng thành đơn vị huy động vốn đa cấp để lừa đảo hoặc đơn vị cung cấp công nghệ đóng vai trò trung gian lại chính là người cho vay với lãi suất lên tới 700%/năm... vi phạm pháp luật về tín dụng.
Hiện lãi suất cho vay của loại hình này vẫn chưa được quản lý theo đúng chuẩn mực như các tổ chức tín dụng, chưa có sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng chuyên ngành, nên cho vay ngang hàng xảy ra nhiều rủi ro. Người đi vay gặp rắc rối khi bên thu hồi nợ chưa tuân thủ pháp luật. Thậm chí, người cho vay lẫn các công ty làm trung gian cũng gặp khó khăn khi họ không thu hồi được nợ từ người vay.
Thực tế, hoạt động của các công ty P2P hiện chỉ được điều chỉnh theo pháp luật dân sự. Tuy hợp đồng vay vốn được xem là hợp đồng giao dịch dân sự giữa 2 bên song các điều khoản trong hợp đồng về cơ bản chưa đáp ứng được chuẩn mực tối thiểu của pháp luật.
Chính vì thế mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao NH Nhà nước soạn thảo Quyết định của Thủ tướng, bao gồm các nội dung quản lý rủi ro, thanh tra, kiểm tra, giám sát và trách nhiệm của bộ, ngành liên quan đến mô hình P2P.
Giải pháp trước mắt là NH Nhà nước và các bộ, ngành nên chọn lọc một số doanh nghiệp cung cấp công nghệ tài chính (fintech) giàu tiềm năng để triển khai thí điểm P2P, ban hành các quy định mang tính hỗ trợ fintech phát triển, đồng thời các quy định đó cũng phù hợp với chuẩn mực pháp luật Việt Nam. Khi các fintech tuân thủ quy định về hoạt động P2P, NH Nhà nước triển khai cho vay ngang hàng rộng rãi trên thị trường, từng bước hoàn thiện khung khổ pháp lý loại hình cho vay này, đem lại an toàn cho hệ thống tài chính - NH.