Ở một thời điểm trong tháng 6 năm ngoái, Zeng Jinpeng đã nợ một ứng dụng smartphone tới hơn 10.000 NDT (1.500 USD). Chàng trai 23 tuổi người Thượng Hải này đã sử dụng Huabei - một loại thẻ tín dụng của Alibaba, để thanh toán cho việc mua đồ ăn, quần áo và du lịch. Những khoản chi tiêu của anh thường vượt quá số tiền 8.000 NDT bố mẹ chu cấp mỗi tháng. Bởi vậy, Zheng cố gắng thanh toán khoản nợ theo từng đợt, thậm chí là lại đi vay từ Jiebei - một dịch vụ tín dụng khác của Alibaba. Thế nhưng, cuối cùng, bố mẹ vẫn là người chi trả toàn bộ cho Zheng.
Câu chuyện của Zheng là rất phổ biến trong thế hệ Z ở Trung Quốc - sinh ra từ giữa những năm 1990 đến đầu những năm 2000. Những người tiêu dùng trẻ tuổi này có nguồn thu nhập rất ít, do đó hầu như chưa có lịch sử sử dụng tín dụng. Tuy nhiên, họ lại có thể dễ dàng sử dụng dịch vụ tín dụng từ một loại ngân hàng - đó là các start-up fintech và nhà cho vay P2P, cùng với những kênh tài chính khác không phải chịu sự giám sát chặt chẽ.
Tại Trung Quốc, tỷ lệ tín dụng của hộ gia đình đã tăng lên 54% GDP trong quý I/2019, tức là tăng 4 điểm phần trăm trong vòng 1 năm. Con số này của Trung Quốc vẫn thấp hơn so với Mỹ (66%), Hồng Kông (72%) và Hàn Quốc (100%), theo S&P Global. Tuy nhiên, sự gia tăng nhanh chóng này lại là điều khiến các nhà phân tích và lập quy lo ngại. Giữa tháng 7, Fitch Ratings lưu ý rằng tình trạng tín dụng cá nhân tăng mạnh "có thể bị gây ra bởi sự điều chỉnh mạnh của thị trường."
Thói quen chi tiêu của giới trẻ Trung Quốc ngày càng đáng lo ngại. Cuối năm ngoái, cựu Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) Zhou Xiaochuan cho biết ở một vài trường hợp, thế hệ trẻ đang ngày càng chi tiêu quá đà qua việc thanh toán bằng thẻ tín dụng của các ứng dụng fintech.
Theo một lưu ý của Đại học Tài chính và Kinh tế Thượng Hải phát hành hồi tháng 7, nền kinh tế có thể phải hứng chịu hậu quả nếu những khoản nợ chồng chất đạt đến mức "ăn sâu vào thanh khoản hộ gia đình và tạo hiệu ứng lấn át nhu cầu" - có nghĩa là các khoản thanh toán nợ sẽ chiếm phần lớn trong thu nhập sau thuế của người dân khiến họ không còn tiền để chi trả cho những nhu cầu khác.
Trung Quốc đang đứng giữa quá trình thay đổi lâu dài từ mô hình tăng trưởng dẫn đầu về xuất khẩu và đầu tư sang nền kinh tế tiêu dùng hiện đại. Một cuộc khủng hoảng tín dụng tiêu dùng sẽ khiến quá trình đó đi chệch hướng ở thời điểm khi sản xuất để xuất khẩu bị ảnh hưởng tiêu cực bởi chiến tranh thương mại.
Tỷ lệ cho vay tiêu dùng không thế chấp đã tăng 20% mỗi năm ở Trung Quốc kể từ năm 2008, tình trạng cạnh tranh ngày càng mạnh đang thúc đẩy các định chế tài chính thu hút những đối tượng không có nhiều kinh nghiệm tín dụng như Zheng. Huabei tính phí chàng thanh niên này 0,05% mỗi ngày, với lãi suất hàng năm là 18,25%, đối với các khoản cho vay cá nhân từ 500 đến 50.000 NDT. Khách hàng có thể trả góp nhiều lần hàng tháng. JD.com cũng có những sản phẩm tương tự.
Không giống như những kênh cho vay thông thường, các khoản vay được cung cấp trên những nền tảng này hầu hết không được tính trong số liệu chính thức của chính phủ. Công ty tư vấn IReasearch dự đoán các khoản tín dụng tiêu dùng được sử dụng qua internet sẽ tăng gấp đôi, lên 19 nghìn tỷ NDT vào năm 2021, từ mức 7,8 nghìn tỷ USD vào năm ngoái.
Năm ngoái, các nhà lập quy Trung Quốc đã thực hiện chiến dịch "xoá sổ" mạng lưới cho vay P2P. Quy mô của lĩnh vực này đã bị thu hẹp xuống 1 nửa so với mức đỉnh trước đó và do đó một số công ty phải ngừng hoạt động. Dữ liệu chính thức gần đây cho thấy 70% trong số 50 triệu nhà đầu tư P2P Trung Quốc đều dưới 40 tuổi.
Về phần Zheng, anh đang cố gắng chi tiêu tiết kiệm hơn dù hiện giờ đã kiếm được một khoản thu nhập nhỏ nhờ kỳ thực tập ở Thượng Hải. Anh chia sẻ: "Tôi đặt hạn mức tín dụng ở mức thấp hơn, vì vậy hy vọng rằng thu nhập và chi tiêu của tôi sẽ không bị chênh lệch nhiều."