Cho vay tiền không có giấy tờ, chỉ bằng lời nói, tin nhắn,... là một trong những giao dịch dân sự khá phổ biến dựa vào sự tín nhiệm giữa người thân, người quen hoặc bạn bè thân thiết.
Do đó, khi có tranh chấp xảy ra, rất nhiều người lo lắng có đòi lại được tiền hay không.
Cho vay tiền giữa các cá nhân với nhau là giao dịch dân sự rất phổ biến. Khi cho vay tiền hoặc tài sản các bên cần xác lập hợp đồng vay hoặc giấy vay tiền để có thể có căn cứ đòi nợ về sau. Tuy nhiên, vì tin tưởng, ví dụ như bạn bè, người thân,... hoặc lý do nào khác, nhiều người vẫn có thể dễ dàng cho nhau vay một khoản tiền mà không cần giấy tờ ghi nợ, chỉ thông qua nói chuyện, tin nhắn hay gọi điện thoại,… Do đó, khi có tranh chấp xảy ra, rất nhiều người lo lắng về việc có đòi lại được tiền khi cho vay không có giấy tờ chứng minh.
Hình thức của giao dịch dân sự quy định tại khoản 1 Điều 119 Bộ luật Dân sự 2015 được quy định: "Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản".
Bên cạnh đó, điều 463 Bộ luật Dân sự cũng quy định về hợp đồng vay tài sản như sau: "Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định".
Như vậy, hiện nay pháp luật không quy định bắt buộc hình thức của hợp đồng vay tài sản phải thể hiện bằng văn bản. Hợp đồng vay tiền, tài sản được công nhận cả ở ba hình thức là bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Nếu cho vay tiền không có giấy tờ nhưng được thể hiện qua lời nói, hành vi hay tin nhắn, mail… thì pháp luật vẫn công nhận và bảo vệ.
Cũng cần lưu ý, không phải mọi trường hợp việc vay tiền đều hợp pháp. Thỏa thuận vay nợ bắt buộc phải đáp ứng các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự quy định tại Điều 117 Bộ luật Dân sự: Do những người có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự thực hiện; Các bên vay và cho vay phải hoàn toàn tự nguyện; Mục đích và nội dung thỏa thuận vay nợ không vi phạm điều cấm, không trái đạo đức xã hội, không bị lừa dối, không nhằm che giấu cho một giao dịch khác…
Khi bên vay tiền không hoàn trả số tiền cho vay khi đến hạn, bên cho vay nên thoả thuận với bên vay về việc kéo dài thời hạn trả nợ. Trong trường hợp không thể thoả thuận, bên vay cố tính không trả nợ, bên cho vay có thể khởi kiện ra Toà án theo thủ tục tố tụng dân sự dù không có giấy tờ vay.
Cụ thể, khi làm thủ tục kiện đòi nợ , bên cho vay cần chuẩn bị hồ sơ gồm: Đơn khởi kiện, Bản sao chứng thực Giấy tờ tùy thân như Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân, hộ chiếu…, Các tài liệu, chứng cứ chứng minh việc cho vay như bản ghi âm, ghi hình cuộc nói chuyện khi cho vay; lời khai của người làm chứng hoặc sự xác nhận của bên vay qua email, tin nhắn điện thoại, phương tiện điện tử khác…
Nếu bên vay có hành vi trốn tránh nghĩa vụ trả nợ nhằm chiếm đoạt tài sản thì bên cho vay có thể tố giác đến cơ quan công an về Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 175 Bộ Luật Hình sự 2015.
Tuy nhiên, trên thực tế để giải quyết các tranh chấp liên quan đến cho vay tiền không có giấy tờ chứng minh gặp rất nhiều khó khăn vì không đủ chứng cứ thuyết phục. Vì vậy, với những khoản cho vay lớn, bên cho vay tiền nên xác lập hợp đồng vay bằng văn bản để có bằng chứng chứng minh, đảm bảo cho việc đòi nợ về sau.
(Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị)