Nền kinh tế đang có dấu hiệu phục hồi, tín dụng tiêu dùng được xem là một trong những động lực quan trọng góp phần kích thích sức mua, hỗ trợ tăng trưởng, nhất là khi nhu cầu tiêu dùng của người dân ngày một gia tăng vào cuối năm.
Bán lẻ - tiêu dùng khởi sắc
Trái ngược với bức tranh ảm đảm ở Quý 2/2020, hoạt động thương mại dịch vụ trong hai tháng 8, 9 vừa qua nhộn nhịp trở lại nhờ đại dịch Covid-19 tiếp tục được kiểm soát tốt, đời sống của người dân dần ổn định, nhiều khu du lịch, vui chơi, mua sắm trên cả nước cũng đã mở cửa đón khách.
Theo số liệu thống kê tài chính, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng Quý 3/2020 ước đạt 1.305,8 nghìn tỷ đồng, tăng 14,4% so với Quý 2 và tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2019. Tính riêng tháng 9, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 2,7% so với tháng 8.
Dẫn đầu doanh thu bán lẻ hàng hóa thuộc về ngành hàng lương thực, thực phẩm có mức tăng 8,8%; tiếp theo là ngành đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 5,8%; may mặc tăng 0,8%... Những dấu hiệu khởi sắc này cho thấy sức cầu mạnh mẽ của thị trường gần 100 triệu dân đang trên đà phục hồi.
Đáng chú ý, những tác động của đại dịch đã làm thay đổi hành vi mua sắm của người dân, định hình nên xu hướng tiêu dùng mới với sự bùng nổ của các kênh giao dịch trực tuyến (online) nhanh gọn, tiện lợi.
“Lực đẩy” vay tiêu dùng
Đón nhu cầu từ thị trường, các gói vay tiêu dùng được xem là một trong ba động lực tăng trưởng kinh tế đang được Ngân hàng Nhà nước khuyến khích đẩy mạnh trong bối cảnh hiện nay.
Theo đó, nhiều chính sách ưu đãi lãi suất vay đang được các doanh nghiệp tài chính – ngân hàng triển khai rộng rãi. Khảo sát từ một số ngân hàng cho thấy, lãi suất vay mua nhà tại MSB chỉ từ 6,99%/năm, áp dụng đến hết 31/12/2020; NCB tập trung vào gói ưu đãi hướng đến khách hàng cá nhân có nhu cầu mua xe ô tô, với mức lãi suất ưu đãi từ 7,99%/năm trong 6 tháng đầu tiên.
VPBank - một trong những ngân hàng hàng đầu hiện nay về cho vay tiêu dùng cá nhân cũng triển khai chương trình quay số trúng thưởng đặc biệt mừng sinh nhật 27 năm. Chương trình kéo dài đến 30/10 với tổng giá trị giải thưởng tới 1,7 tỷ đồng, bao gồm tiền mặt theo tuần hoặc cơ hội sở hữu xe Mercedes C180 2020.
Công ty tài chính FE Credit triển khai rộng rãi chuỗi hoạt động khuyến mại kích cầu tiêu dùng kéo dài liên tục từ tháng 7 cho đến cuối năm. Ví dụ như đầu tháng 9 vừa qua, FE Credit đã tổ chức quay số xác định được 60 khách hàng thẻ tín dụng may mắn trúng thưởng 60 xe Honda Airblade, tổng giá trị giải thưởng lên đến 2,4 tỷ đồng.
Thông tin mới nhất từ FE Credit cho biết, hiện doanh nghiệp đang đẩy mạnh các kênh số hóa trong giao dịch, đồng thời một gói ưu đãi lớn cũng sẽ được tung ra trong tháng 11 nhân kịp kỷ niệm 10 năm thành lập Công ty. Các chuyên gia nhận định, hàng loạt giải pháp kích cầu này sẽ tạo động lực thúc đẩy tiêu dùng nội địa những tháng cuối năm.
Đánh thức tiềm năng thị trường
Những năm gần đây, tiềm năng phát triển thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam được đánh giá hấp dẫn hàng đầu khu vực, với cơ cấu 60% dân số trẻ và tỷ lệ dân số sinh sống tại khu vực thành thị tính đến tháng 12/2019 chiếm 35,92%. Do đó, ngay cả trong thời điểm dịch bệnh bùng phát, dù sức tiêu dùng giảm nhưng nhu cầu vẫn luôn cao.
Giai đoạn 2015 - 2018, thu nhập GDP bình quân của mỗi người dân Việt Nam luôn tăng trưởng ổn định với mức tăng khoảng 6,57% và dự báo sẽ đạt tới tốc độ tăng trưởng khoảng 7%/năm trong giai đoạn 2021 – 2025, hứa hẹn tạo nguồn cầu rất lớn cho lĩnh vực tài chính tiêu dùng phát triển.
Tuy nhiên, thị trường cho vay tiêu dùng tại Việt Nam hiện mới ở giai đoạn đầu và chưa được khai thác hiệu quả. Tính đến cuối 2019, tỷ lệ cho vay tiêu dùng trên tổng dư nợ ở Việt Nam ước đạt khoảng 11,4%, thấp hơn nhiều so với mức phổ biến 40 – 50% ở các nước phát triển.
Phân tích về tỷ lệ này, ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng nhấn mạnh, theo thông lệ, dư nợ cho vay tiêu dùng chính thức vào khoảng 40% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế, do đó dư địa của thị trường tài chính tiêu dùng sẽ còn khá lớn, khoảng 1,5 đến hai triệu tỷ đồng.
Chưa kể hằng năm tổng dư nợ cho vay nền kinh tế tăng thêm khoảng 14%, cùng với nhu cầu mua sắm tiêu dùng nội địa đang đạt tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ chưa từng thấy, điều này thúc đẩy cho vay tiêu dùng cũng sẽ tăng theo.
Thực tế trong hời gian qua, hoạt động cho vay tiêu dùng đang ngày càng trở thành là giải pháp hiệu quả giúp nâng cao cơ hội tiếp cận tài chính cho người dân, đặc biệt là những người lao động thu nhập trung bình - thấp, không có tài sản thế chấp.
Đáng chú ý, các dịch vụ vay tiêu dùng được xem là “điểm tựa” giúp duy trì và cân bằng cuộc sống người dân giữa các chu kỳ biến động của thị trường. Đơn cử FE Credit đã hỗ trợ cho gần 200.000 khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tương đương với tổng khoản vay trị giá 4 nghìn tỷ đồng.
Dự báo khối doanh nghiệp nhỏ và vừa và đặc biệt là khối cá nhân sẽ có nhu cầu vay vốn nhiều hơn ở thời điểm cuối năm, đây chính là dư địa để tín dụng tiêu dùng tiếp tục triển vọng mở rộng trong thời gian tới.
Thế Định