Dưới góc nhìn nhà nghiên cứu thị trường, TS. Đỗ Hoài Linh đến từ Viện Ngân hàng Tài chính Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, triển vọng của thị trường này vẫn còn rất lớn dù đã tăng trưởng liên tục với tốc độ cao trong vài năm qua.
PV: Thưa Tiến sĩ, tín dụng tiêu dùng được nhắc đến rất nhiều thời gian qua. Nhiều người vẫn hiểu rằng cho vay tiêu dùng, tín dụng tiêu dùng và tài chính tiêu dùng đều là một nghĩa cho vay tiêu dùng, nhưng cũng có những ý kiến nói rằng không hẳn như vậy. Dưới góc nhìn của nhà nghiên cứu, xin hỏi bà hiểu như vậy có sai hay không?
TS. Đỗ Hoài Linh: Chúng không hoàn toàn là một. Theo tôi, cần phải định vị cho đúng từng nội dung, từ đó các đối tượng liên quan như đơn vị cung cấp dịch vụ, khách hàng, cơ quan quản lý nhà nước sẽ có những hành động phù hợp.
Trong 3 khái niệm đề cập thì “cho vay tiêu dùng” là khái niệm hẹp nhất, nó chỉ việc các Tổ chức tín dụng và các nhà cung cấp dịch vụ này cho các cá nhân/hộ gia đình vay tiền để mua hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng của cá nhân/hộ gia đình vay tiền; hiện tại hoạt động của các công ty tài chính hay ngân hàng tại Việt Nam chủ yếu là trong lĩnh vực này.
Còn “Tín dụng tiêu dùng” có phạm vi hoạt động rộng hơn, vì ngoài cho vay tiêu dùng thì các Tổ chức tín dụng còn có thể cung cấp hoạt động tín dụng tiêu dùng khác như bảo lãnh tiêu dùng hoặc chiết khấu.
Với “Tài chính tiêu dùng”, đây là thuật ngữ đang được chúng ta sử dụng rộng rãi để chỉ việc các công ty tài chính cung cấp các dịch vụ cho vay tiêu dùng, tuy nhiên, khái niệm rộng này rộng hơn thế rất nhiều. Tài chính tiêu dùng gồm các hoạt động tài chính mà cá nhân/hộ gia đình để thỏa mãn các nhu cầu tài chính của mình, nó gồm 4 mảng chính.
Thứ nhất là thanh toán. Các cá nhân/hộ gia đình sử dụng các công cụ thanh toán như tiền mặt, thẻ ngân hàng, công cụ chuyển tiền trực tuyến để chi trả cho các chi tiêu tiêu dùng. Các đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán có thể là chính phủ, ngân hàng, các tổ chức phi ngân hàng, các doanh nghiệp thanh toán trực tuyến…;
Thứ hai là Quản lý rủi ro. Cá nhân/hộ gia đình đều có nhu cầu quản lý rủi ro có thể xảy ra với mình trong cuốc sống thông qua các dịch vụ về bảo hiểm (y tế, đời sống, tài sản và thương vong, tàn tật), các sản phẩm tài chính để bảo vệ khỏi sự sụt giảm danh mục đầu tư, mạng lưới xã hội và mạng lưới an sinh của chính phủ. Các tổ chức cung cấp các sản phẩm cho nội dung này bao gồm gia đình và cộng đồng địa phương, các công ty bảo hiểm tư nhân, bảo hiểm xã hội và các kế hoạch cứu trợ thiên tai của chính phủ…;
Thứ ba là Vay mượn. Hoạt động này được thể hiện trong tín dụng cá nhân nhằm phục vụ cho các mục đích tiêu dùng như tài trợ các chi phí sinh hoạt hàng ngày; mua đất, nhà ở, ô tô, đồ dùng sinh hoạt; du học… Việc cung cấp tín dụng tiêu dùng có thể được thực hiện thông qua khu vực chính thức (ngân hàng, công ty tài chính, quỹ tín dụng…) hoặc thông qua khu vực phi chính thức (như bạn bè và gia đình) và thông qua các tổ chức công nghệ mới như P2P lending, cho vay cá nhân qua web.
Và thứ tư là Đầu tư: nhu cầu tài chính này thể hiện qua việc đầu tư hoặc tiết kiệm với các công cụ như tiền gửi ngân hàng, đầu tư vào quỹ tương hỗ, các chương trình hưu trí tại nơi làm việc và các chương trình bảo hiểm xã hội của chính phủ…
Như vậy, tài chính tiêu dùng là lĩnh vực rộng hơn cho vay tiêu dùng, để phát triển tài chính tiêu dùng tại Việt Nam, chúng ta không nên chỉ tập trung vào duy nhất một mảng cho vay tiêu dùng mà cần quan tâm đồng bộ đến cả bốn mảng hoạt động kể trên.
Bà đánh giá thế nào về hiện trạng của hoạt động tài chính tiêu dùng ở Việt Nam hiện nay?
Về tổng thể, tài chính tiêu dùng Việt Nam từ sản phẩm cho đến quy mô đều khá đơn sơ với những đặc trưng cơ bản của từng mảng hoạt động.
Thứ nhất, về mảng thanh toán. Các phương thức thanh toán đang được người tiêu dùng áp dụng tại Việt Nam gồm trả tiền mặt khi giao hàng, chuyển khoản qua ngân hàng, gửi tiền qua bưu điện hoặc chuyển qua hệ thống chuyển tiền quốc tế, thanh toán trực tuyến. Trong đó thanh toán bằng tiền mặt vẫn là hình thức thanh toán chủ yếu tại Việt Nam, thậm chí ngay cả khi người tiêu dùng mua hàng qua các trang web vì thói quen sử dụng tiền mặt trong xã hội và tâm lý muốn đảm bảo an toàn nhận đúng hàng đã đặt mua thì mới trả tiền; năm 2016 tổng tiền mặt trong nền kinh tế khoảng 100 nghìn tỷ đồng chiếm 20% tổng lượng phương tiện thanh toán;
Thứ hai là Thanh toán trực tuyến, một số website tại Việt Nam đã có hình thức thanh toán trực tuyến giúp cho việc mua hàng và thanh toán đơn giản và tiện lợi hơn; đặc biệt khi số lượng người dùng Internet và smartphone gia tăng, trẻ và năng động hơn, ở độ tuổi 18-34, mức độ thâm nhập Internet của nhóm này là 88% và sử dụng smartphone là 70%. Tổng giá trị giao dịch thanh toán trực tuyến năm 2016 tăng 55% so với cùng kỳ năm 2015, cụ thể tổng giá trị thanh toán trực tuyến năm 2016 là 680 triệu USD, ước tính đến 2020 là 4 tỉ USD;
Ba là, Thanh toán bằng thẻ ngân hàng, tính đến tháng 6/2017, số lượng thẻ phát hành lũy kế đạt mức trên 121,5 triệu thẻ, 17.472 chiếc máy ATM, số lượng POS/EFTPOS/EDC là 263.427 thiết bị, nhiều tính năng ứng dụng thanh toán thẻ ngân hàng sử dụng như thanh toán tiền điện, nước, cước viễn thông, bảo hiểm, phí giao thông, thanh toán trực tuyến. Hiện tại, có trên 76 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet và 39 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán cung ứng dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động, tính đến hết quý II/2017 số dư tiền gửi thanh toán của cá nhân tại các Tổ chức tín dụng là 270 nghìn tỷ tăng 20% so với cùng kỳ năm 2016.
Thứ hai, về mảng quản lý rủi ro. Xét riêng đối với thị phần đối tượng khách hàng cá nhân, nghiệp vụ bảo hiểm chủ yếu ở bảo hiểm sức khoẻ và một tỷ trọng nhỏ bảo hiểm xe cơ giới. Với sự quan tâm phát triển mảng bán lẻ với bảo hiểm phi nhân thọ tại các doanh nghiệp bảo hiểm, thị phần bảo hiểm phi nhân thọ của đối tượng khách hàng cá nhân ngày càng gia tăng, phần nào thể hiện sự gia tăng nhận thức của người dân với hoạt động bảo hiểm.
Thứ ba, về mảng đầu tư, trên thị trường tài chính Việt Nam, cá nhân có thể lựa chọn 5 hình thức đầu tư cơ bản gồm tiết kiệm, vàng, bất động sản, chứng khoán, và quỹ mở (quỹ tương hỗ). Trong đó tiết kiệm vẫn là một trong những lựa chọn hàng đầu của các cá nhân tại Việt Nam, vàng dù hiện nay không còn là sự lựa chọn ưu tiên của các cá nhân chính sách siết chặt thị trường nhưng lượng vàng được dân đầu tư vẫn đạt hơn 500 tấn tính đến cuối năm 2016; Bất động sản cũng vẫn là một trong những sự lựa chọn ưu tiên của nhà đầu tư cá nhân do dân số Việt Nam vẫn đang gia tăng, song song với đó là mức thu nhập bình quân cũng đang được cải thiện đáng kể. Còn chứng khoán cũng đang thu hút nhà đầu tư. Riêng quỹ đầu tư cũng đang mang lại lợi nhuận khá cho nhà đầu tư, có thể hút người tham gia hơn.
Thứ tư, về mảng vay mượn, mặc dù cho vay tiêu dùng liên tục tăng trưởng 20 - 30%/năm kể từ 2010 nhưng mới chỉ đáp ứng được khoảng 1/4 nhu cầu vay vốn, thị trường cho vay tiêu dùng Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn để phát triển, xét trên cả hai phía cầu và cung.
Xét về phía cung, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin đã giúp các tổ chức cung cấp dịch vụ cho vay tiêu dùng giải quyết được hai vấn đề cơ bản trong phát triển thị trường cho vay tiêu dùng, đó là: tiếp cận khách hàng và đánh giá mức độ rủi ro của khách hàng. Thông qua Internet và mạng xã hội, các bên cung cấp dịch vụ cho vay tiêu dùng dễ dàng tiếp cận được khách hàng. Đồng thời, sự phát triển của công nghệ thông tin cũng cho phép các tổ chức cung cấp cho vay tiêu dùng có thể thu thập được những thông tin cần thiết về khách hàng một cách nhanh nhất và nhờ đó ra quyết định cho vay nhanh chóng nhưng lại giảm thiểu được rủi ro cho vay.
Xét về phía cầu, với quy mô dân số gần 95 triệu dân và thu nhập bình quân đầu người khoảng 2.500 USD là một thị trường tiêu dùng rất lớn với tổng giá trị chiếm gần 70% GDP thì thị trường cho vay tiêu dùng là một mảnh đất rất màu mỡ cho các nhà cung cấp dịch vụ này tiếp tục khai phá.
Riêng về cho vay tiêu dùng, theo bà thị trường Việt Nam bao giờ thì theo kịp được thế giới?
Các nhà cung cấp dịch vụ cho vay tiêu dùng tại Việt nam có thể kể ra các nhóm nhà cung cấp cho vay tiêu dùng gồm: Ngân hàng thương mại, Công tài chính, Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô, Hiệu cầm đồ, Công ty Fintech. Mỗi nhóm cung cấp sẽ có đoạn thị trường mục tiêu riêng cả về hệ số tín nhiệm và quy mô khoản vay. Đồng thời, lãi suất cho vay tiêu dùng của từng nhóm cung cấp cũng có khác biệt lớn. Các nhà cung cấp dịch vụ cho vay tiêu dùng tại Việt Nam mặc dù đã có nhiều thay đổi cả về nhóm các nhà cung cấp cũng như thị phần của từng nhóm, tuy nhiên, so sánh với một số quốc gia phát triển, ví dụ như tại Mỹ thì danh sách này tại Việt Nam vẫn còn khá hẹp.
Tại Mỹ, các nhà cung cấp dịch vụ tài chính tiêu dùng trên thị trường rất đa dạng, nhiều loại hình, bao gồm: Ngân hàng thương mại, Công ty tài chính, Hiệp hội tiết kiệm và cho vay, Công ty bảo hiểm nhân thọ, các tổ chức tài chính vi mô, hiệu cầm đồ, công ty cho vay trong ngày (payday loan company), công ty cho vay với tài sản bảo đảm là giấy tờ xe (car title loan company), Trung tâm thương mại (rent to own centers), Các công ty Fintech… Mỗi một loại hình nhà cung cấp sẽ phục vụ những nhóm khách hàng có độ rủi ro khác nhau, từ đó dẫn đến lãi suất của tín dụng tiêu dùng giữa các loại hình cũng rất khác nhau. Ví dụ như lãi suất của lãi suất của các khoản tín dụng tiêu dùng mà car title loan company lên tới 200%/năm, lãi suất của payday loan company lên tới 391%/năm…
Còn tiềm năng cụ thể của thị trường này ra sao thưa bà, đặc biệt là năm 2018?
Không chỉ có giai đoạn trưởng thành mới có nhu cầu vay tiêu dùng mà ở giai đoạn nào của vòng đời thì cũng đều có phát sinh nhu cầu về tài chính, do vậy, với thị trường 95 triệu dân với 54% là dân số trẻ, Việt Nam được xem là một trong những quốc gia có thị trường vay tiêu dùng giàu tiềm năng nhất thế giới.
Theo số liệu báo cáo Tổng quan thị trường tài chính năm 2017 do Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia công bố thì cho vay tiêu dùng vẫn tiếp tục đà tăng trưởng rất cao, với tốc độ tăng trưởng đạt 65%. Thị phần của nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước tăng mạnh từ 39% lên 45,7%, các ngân hàng thương mại cổ phần và công ty tài chính lại giảm nhẹ tỷ trọng (từ mức 47% năm 2016 xuống còn 42% năm 2017).
Nhưng nhìn chung, tỷ trọng cho vay tiêu dùng trong tổng dư nợ đạt 18% cán mốc hơn 1 triệu tỷ đồng trong năm 2017, trong đó, cho vay để mua, sửa chữa nhà ở tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất 52,9% và tăng trưởng mạnh nhất tới 76,5%. Cho vay trang thiết bị gia đình và phương tiện đi lại ước tăng lần lượt 6,5% và 35,2%. Ngoài ra, kết hợp với những yếu tố tích cực từ nền kinh tế vĩ mô, đặc biệt là thu nhập bình quân đầu người tại Việt Nam tiếp tục tăng trưởng ổn định thì tôi tin chắc mảng hoạt động cho vay tiêu cùng tại Việt Nam trong năm 2018 sẽ tiếp tục khởi sắc và có sự tăng trưởng cao.
Xin cảm ơn các ý kiến của bà!