Số phân bón tiêu huỷ gồm 176 tấn phân bón thúc NPK-828-TE do Công ty TNHH Minh Tiến, có trụ sở tại lô D5-1, khu công nghiệp Tây Bắc, TP Thanh Hoá sản xuất, được lưu giữ tại kho chứa hàng của ông Trần Văn Thiện, xã Hoà Khánh, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk.
Cơ quan chức năng đang tiêu hủy phân bón hết hạn và kém chất lượng.
Tất cả số phân bón này đã hết hạn sử dụng cách đây hai năm, tuy nhiên chủ cơ sở vẫn bán ra thị trường. Chi cục cũng tiêu hủy 13 tấn phân bón PhilPhos Fertilizer, ghi xuất xứ tại Philippines, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, được các đầu nậu vận chuyển về tỉnh Đăk Lăk tiêu thụ.
Theo ông Vương Minh Sơn, Phó Chi cục trưởng chi cục Quản lý thị trường tỉnh Đăk Lăk, số phân bón trên được tịch thu trong các đợt kiểm tra xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh phân bón năm 2017.
Trong một năm có khoảng 32 – 34 triệu tấn phân bón được sản xuất, trong khi nhu cầu sử dụng phân bón chỉ khoảng 10 – 11 triệu tấn. Như vậy số lượng sản xuất ra gấp hơn ba lần nhu cầu sử dụng.
Với hơn 14.000 loại sản phẩm phân bón hiện có trên thị trường, người nông dân như rơi vào “ma trận”, cùng với đó là các loại phân bón giả, phân bón kém chất lượng tràn lan, gây thiệt hại lớn cho người nông dân. Bên cạnh đó, việc quản lý phân bón thời gian qua còn nhiều bất cập.
Để khắc phục tình trạng này, Nghị định 108/2017/NĐ-CP (Nghị định 108) được ban hành thay thế Nghị định 202/2013/NĐ-CP (Nghị định 202) về quản lý phân bón. Đặc biệt, mới đây Chính phủ đã quyết định giao cho Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn quản lý phân bón, thay vì cùng với Bộ Công Thương quản lý.
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) cho biết: Khi xây dựng nghị định 108 để thay thế cho nghị định 202, đã có nhiều điểm mới tác động tích cực ngay cả trước mắt và lâu dài.
Cụ thể, xác định có bao nhiêu sản phẩm phân bón đăng ký và lưu hành trên thị trường Việt Nam; đồng thời đưa ra chiến lược phát triển ngành phân bón nói chung và định hướng phát triển phân bón thời gian tới; xem xét lại việc sử dụng phân bón vô cơ và phân bón hữu cơ, đặc biệt là chuyển dịch dần sang sử dụng phân bón hữu cơ; nâng tỷ trọng sử dụng phân bón hữu cơ nhiều hơn trong thời gian tới, đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp.