Mới đây, tại tỉnh Bình Thuận, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện Công ty TNHH Khu đô thị Du lịch biển Phan Thiết ký hợp đồng với 2 công ty môi giới bất động sản tại TP.HCM với mức phí môi giới bất động sản lên tới 19,5% giá trị bất động sản giao dịch thành công.
Kiểm toán Nhà nước chỉ ra rằng, mức phí môi giới bất động sản phổ biến hiện nay trên thị trường là 1-2% giá trị bất động sản. Việc Công ty TNHH Khu đô thị Du lịch biển Phan Thiết ký các hợp đồng môi giới với mức chi phí cao bất thường, gấp khoảng 10 lần so với mức chi phí môi giới phổ biến trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã làm tăng chi phí hợp lý và làm giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp rất lớn.
Ở góc độ pháp lý, ông Nguyễn Sơn Tùng, luật sư điều hành Công ty Luật Legal United Law cho biết, hiện tại, chưa có bất kỳ quy định pháp luật về điều chỉnh, mức, khoản mức thu phí dịch vụ môi giới. Thông thường, mức phí môi giới đối với các giao dịch nhà ở giữa cá nhân riêng lẻ, mức phí môi giới mua bán, cho thuê trung bình dạo động từ 0,1% - 2.5%. Nhưng đối với mức phí của môi giới trong sàn giao dịch thực hiện các dự án thì hoàn toàn khác.
Nhận định về mức phí môi giới lên tới gần 20% tại một dự án Bình Thuận, luật sư Tùng cho rằng, mức phí môi giới quá cao sẽ buộc phải đặt ra nghi vấn trong việc tạo ra "chuyển giá nội bộ" hay "rút vốn" từ chủ đầu tư hay không và cố tình tạo ra dự án bị lỗ hay không?
"Có nhiều dự án, phí môi giới được đẩy lên rất cao. Ví dụ như đơn vị môi giới tặng vàng, tặng tiền, tặng xe cho người mua... và mức phí môi giới lên tới 12%- 18% của giá bán. Mức phí cao tất yếu giá bất động sản đẩy lên cao, có thể đến ngưỡng của sự bất hợp lý. Một số công ty còn xếp phí môi giới thành "phí dịch vụ tư vấn bất động sản" mà thực tế lại không tư vấn gì", luật sư Tùng phân tích.
Ông Tùng cũng cho rằng, chi phí môi giới tác động tới giá của sản phẩm bất động sản. Nhất là đối với một số dự án, có nhiều tầng lớp môi giới khác nhau với phân tầng F1, F2, F3. Mỗi tầng lại có phí môi giới riêng, điều này khiến cho thị trường địa ốc xảy ra tình trạng biến động về giá.
Luật sư Tùng nhấn mạnh, muốn thị trường bất động phát triển bền vững, trong số các chính sách và biện pháp kiểm soát thị trường của nhà nước cần có quy định về khung và mức trần đối với phí dịch vụ môi giới bất động sản.
"Nếu thả cửa cho môi giới làm giá thị trường, làm giá trong một phạm vi khu vực thì thị trường khó mà bền vững. Một số chủ đầu tư chỉ biết thu về bao nhiêu ấy, còn lại khoán cho môi giới tự thu thì cũng không ổn. Dự án sẽ bị xáo trộn về giá cả chưa kể vào thời điểm quyết toán dự án, khi có sự đối chiếu lại về giá bán, giá kê khai, nộp thuế... thì chủ đầu tư có khi bị truy thu thuế"- luật sư Tùng nhấn mạnh.
Cũng theo luật sư Tùng, hiện tại đã quá trễ cho việc ban hành mức trần của phí môi giới bất động sản, nhất là đối với các sàn giao dịch bất động sản. Thế nên, vị luật sư đề xuất kiến nghị cần có quy định rõ ràng về mức trần phí môi giới bất động sản để đảm bảo sự minh bạch của thị trường, tránh tình trạng giá sản phẩm có thể đẩy lên quá cao. Bất lợi có thể nghiêng về phía người tiêu dùng.