Tại chương trình Tự do tài chính số 35 "Vỡ hụi", phát sóng trên VTV digital ngày 27/08, Host Dương Ngọc Trinh đã chia sẻ, "thú thật, em đã tham gia loại hình này từ hồi học cấp hai. Thời đó các bạn đã rủ nhau chơi hụi mỗi người 5 nghìn, 10 nghìn".
Ông Lê Anh Tuấn, giám đốc hoạch định chiến lược Dragon Capital cũng cho biết, "mẹ Tuấn là người chơi hụi có thâm niên 20 năm hơn. Khi Tuấn tư vấn cho mẹ thì Tuấn thấy mô hình này không hiệu quả, nhưng thực sự rất khó để khuyên người tham gia đường dây hụi này là nó không tốt. Khi nghiên cứu sâu hơn thì Tuấn có nhận thấy là hụi nó đã len đến từng ngõ ngách và quy mô rất lớn. Trong khi đó, không có một bài nghiên cứu, trình bày khoa học nào để người chơi hụi biết là họ đang chơi cái gì".
Ông Tuấn cho rằng, hụi không phải là công cụ để thoát nghèo, hiệu suất của nó rất kém và không có tính chất lãi kép. Bên cạnh đó, người chơi hụi thường có tâm lý chủ quan "nhìn mặt mà bắt hình dong" khi cứ nhìn chủ hụi nhà lầu xe sang mà quyết định tin tưởng. Trong khi đó, việc đánh giá chủ hụi tốt hay xấu là rất khó, chưa kể một người có thể tham gia nhiều đường dây hụi và mỗi dây hụi lại có từ 15-30 người. Đồng thời, người tham gia chỉ thấy bề nổi, không thấy được lịch sử tín dụng, các khoản nợ, hay các dây hụi bị giật mà chủ hụi đang gánh. Không thể chỉ phụ thuộc vào quen biết mà đánh giá uy tín.
Host Ngọc Trình cũng chia sẻ, "đã nói tới tiền thì phải nhìn con số chứ không thể chỉ nhìn con người được. Vì tất cả những gì rõ ràng nhất đều là dựa trên những con số thống kê, từ tiền thảo, tiền kêu đều đã cho thấy tín hiệu liệu tiền mình đặt vào đó có rủi ro không. Nếu mọi người không nhìn vào con số mà chỉ nhìn vào con người thì tất nhiên nó sẽ xảy ra những câu chuyện ngoài ý muốn".
Chuyên gia cũng chia sẻ những trăn trở của bản thân, có nhiều thứ trong tài chính rất đơn giản, song để thuyết phục người khác lắng nghe và đồng ý với mình là một quá trình rất dài, như việc thuyết phục người ta chuyển từ tiền gửi tiết kiệm sang đầu tư đã rất khó. Trong khi đó, hụi là một hình thức phức tạp về cả mặt tính toán, dòng tiền,… thậm chí là nó còn không hiệu quả, nhưng lại rất nhiều người không chịu từ bỏ nó.
Ví dụ điển hình là mẹ của ông Tuấn, người dù đã nhận được sự tư vấn về tính kém hiệu quả của hụi song vẫn tham gia và kết quả là bị bể hụi. Cũng có những người chơi hụi 20 năm, tham gia gần 60 dây hụi trong suốt quá trình đó, tưởng chừng như chưa bao giờ bị vỡ, rồi bỗng một ngày "mất cả chì lẫn chài" vì bể hụi. Việc bị giật hụi hay không là không thể đoán định trước, và rủi ro cũng không hề nhỏ.
Ông cũng nói thêm, ở những người chơi hụi tồn tại một sự mâu thuẫn giữa lòng tham và rủi ro. Người chơi hụi đôi khi vì tham những khoản tiền lãi nhỏ mà không nghĩ đến việc nếu bị giật thì sẽ mất hết và dù có lãi thì cũng chẳng bao nhiêu. Ở nước ngoài hiện nay cũng có một số mô hình social crowding (huy động vốn cộng đồng) song vì công tác thẩm định, quản trị rủi ro không tốt mà đã có nhiều hệ lụy xảy ra. Đối với hụi, có những trường hợp dù đã bị vỡ hụi, thậm chí là bị vỡ nhiều lần song vẫn không đúc kết kinh nghiệm.
Host Ngọc Trinh chia sẻ, chơi hụi rất khác với đầu tư. Nếu như đầu tư thua lỗ thì còn có thể chờ những nhịp hồi của thị trường để khắc phục phần nào hậu quả, còn ở hụi, nếu vỡ thì xem như mất trắng.
Ông Tuấn cũng cho biết, hiện nay cũng đã có rất nhiều hình thức đầu tư mang lại tính hiệu quả hơn, an toàn hơn và có thể thay thế hụi dù chỉ với số tiền rất bé.