Đại dịch Covid-19 khiến hầu hết doanh nghiệp gặp khó nhưng cũng có những doanh nghiệp hưởng lợi khi những xu hướng kinh doanh tiêu dùng mới xuất hiện.
CTCP Sản xuất Kinh doanh XNK Bình Thạnh - Gilimex (GIL) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV và cả năm 2020 với kết quả vượt trội so với tình hình khó khăn chung của ngành dệt may. Theo đó, biên lợi nhuận của Gilimex tăng vọt lên mức 23%, so với mức 16,1% cùng kỳ năm trước.
Tính chung cả năm 2020, Gilimex ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 308 tỷ đồng, tăng 92% so với năm 2019. Thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) năm 2020 đạt 10.352 đồng, tăng 32% so với năm trước. Lợi nhuận chưa phân phối của doanh nghiệp lên tới gần 660 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với mức vốn điều lệ 360 tỷ đồng.
Đây là một kết quả ấn tượng trong bối cảnh hàng loạt doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may Việt Nam. Sở dĩ Gilimex đạt được kết quả lợi nhuận cao là nhờ việc bán hàng thuận lợi trên kênh thương mại điện tử Amazon bắt đầu từ trong nhiều năm qua.
Theo Agriseco, Gilimex là một doanh nghiệp chuyên sản xuất các đồ dùng từ vải như túi xách, ba lô… Với việc khách hàng lớn nhất của Gilimex là Amazon hưởng lợi từ đại dịch Covid-19 và xu hướng tiêu dùng không sử dụng túi nilon, các dây chuyền của Gilimex luôn trong tình trạng hoạt động hết công suất để đáp ứng các đơn hàng.
Gilimex hưởng lợi lớn từ xu hướng mua bán tăng mạnh trên các kênh thương mại điện tử, trong đó có Amazon. |
Trong báo cáo đưa ra hồi cuối tháng 11/2020, khi giá cổ phiếu Gilimex ở mức hơn 40.000 đồng/cp, Agriseco đưa ra giá mục tiêu của GIL là 60.000 đồng/cp. Hiện, GIL đang ở mức 53.900 đồng/cp.
Tính trong 6 tháng qua, cổ phiếu Gilimex đã tăng từ mức khoảng 22.000 đồng/cp lên mức như hiện tại, tương đương tăng gần 2,5 lần và vốn hóa của doanh nghiêp tăng tương ứng lên thêm gần 1,2 nghìn tỷ đồng.
Điều này đồng nghĩa với việc, các cổ đông của Gilimex có thêm 1.200 tỷ đồng trong khoảng thời gian 6 tháng qua.
Kể từ khi hợp tác với Amazon (mặt hàng túi vải) năm 2016, doanh thu của GIL tăng trưởng rất tốt (trước 2016, doanh thu CAGR 4 năm là 6%, sau 2016 doanh thu CAGR 4 năm là 20%). Với việc thương mại điện tử tiếp tục bùng nổ do dịch Covid-19 thay đổi thói quen tiêu dùng, doanh thu và lợi nhuận của GIL được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ.
Gần đây, Gilimex mở rộng đầu tư sang lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp và quyết định này được kỳ vọng đem về giá trị dài hạn cho GIL. Tại BCTC Quý III/2020, GIL đã góp vốn 464 tỷ đồng vào CTCP KCN Gilimex, tương ứng tỷ lệ vốn góp 91% nhằm đầu tư cho dự án KCN Phú Bài 4 có tổng mức đầu tư 3.400 tỷ đồng, trên diện tích 500ha.
Tình hình tài chính của GIL lành mạnh, không có vay nợ dài hạn, tiền mặt đủ để thanh toán toàn bộ vay ngắn hạn.
Trong năm Covid vừa qua, nhiều doanh nghiệp vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực. Vinamilk ghi nhận lợi nhuận ấn tượng từ mảng sữa, hàng hóa tiêu dùng thiết yếu; Tập đoàn Hòa Phát báo cáo lợi nhuận tăng vọt nhờ giá thép tăng cao, hoạt động xây dựng đầu tư công lớn; nhóm ngân hàng lãi lớn nhờ lãi suất tiền gửi sụt giảm trong khi lãi cho vay đầu ra giảm không nhiều…
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), VN-Index diễn biến đi ngang quanh ngưỡng 1.125 điểm.
Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn thận trọng trong các dự báo.
Theo MBS, thị trường tăng cùng xu hướng với các thị trường trên thế giới. Nhà đầu tư trong nước vẫn giao dịch tích cực và phá bỏ tâm lý thận trọng ở tuần cận Tết âm lịch. Độ rộng thị trường khá tích cực ở hầu khắp các nhóm cổ phiếu, cho thấy quán tính tăng của thị trường còn tiếp diễn trong các phiên sắp tới. Đà phục hồi vừa qua gần như đang lấy lại những gì đã mất kể từ cuối tháng 1 khi thị trường không thể vượt qua mốc 1.200 điểm. Do vậy, dù xác suất đi tiếp là khá rộng mở nhưng thị trường sẽ gặp thử thách ở mốc 1.170 điểm, có thể đó là cơ hội cho dòng tiền đến muộn.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 7/2, VN-Index tăng 14,72 điểm lên 1.126,91 điểm; HNX-Index tăng 0,16 điểm lên 223,84 điểm. Upcom-Index giảm 0,17 điểm xuống 73,89 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 14,9 nghìn tỷ đồng.
V. Hà