Tỷ phú Thái Charoen Sirivadhanabhakdi tích cực thâu tóm các thương hiệu lớn ở Việt Nam. |
Chơi trội
Trong nhiều năm gần đây, nhiều dấu hiệu cho thấy Việt Nam đang trở thành thị trường rất tiềm năng của các tỷ phú Thái Lan. Cuối năm 2015, đầu năm 2016, dư luận xôn xao khi Tập đoàn TCC Holdings của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi đã chi 655 triệu EUR, khoảng 710 triệu USD để thâu tóm chuỗi siêu thị Metro tại Việt Nam từ tay ông chủ người Đức. Thương vụ này được chú ý vì ngoài TCC Holdings, còn rất nhiều ứng cử viên nặng ký khác cũng mong muốn trở thành người nắm giữ kênh bán lẻ hàng đầu Việt Nam.
710 triệu USD là con số rất lớn nhưng rất khó để đánh giá đó là khoản đầu tư hời hay đắt vì đơn vị nắm giữ siêu thị Metro không phải công ty niêm yết nên khó định giá được giá trị thị trường. Nhưng nhiều thương vụ khác thì có thể định giá được. Ví dụ thương vụ thâu tóm Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Bia Sài Gòn), CTCP Nhựa Bình Minh (Nhựa Bình Minh), cổ phiếu của 2 công ty này đều được giao dịch trên thị trường chứng khoán.
Những phiên đấu giá cổ phần tại Bia Sài Gòn và Nhựa Bình Minh cho thấy các tỷ phú Thái đặt nhiều kỳ vọng vào thị trường Việt Nam. Họ đều sẵn sàng chơi trội, đặt mức giá cao hơn thị giá của những cổ phiếu kể trên để chắc thắng trong phiên đấu giá.
Trong phiên đấu giá diễn ra ngày 18/12/2017, Công ty TNHH Vietnam Beverage của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi mua trọn lô 343,66 triệu cổ phiếu SAB với mức giá 320.000 đồng/CP, bằng với mức giá khởi điểm. Ở mức giá này, Vietnam Beverage phải chi khoảng 110.000 tỷ đồng (gần 5 tỷ USD).
Theo thị giá cổ phiếu SAB ngày 18/12, tỷ phú Thái đã phải mua SAB với mức giá rất đắt đỏ. Mức chênh lệch lên tới 10.800 đồng/CP. Để mua cả lô SAB, Vietnam Beverage đã phải chi nhiều hơn 3.712 tỷ đồng so với giá trị thị trường của SAB.
Tập đoàn xi măng Siam (SCG) cũng là “cá mập” ở Việt Nam. SCG bắt đầu mở rộng hoạt động sang Việt Nam như một quốc gia chiến lược từ năm 1992. Bằng việc bạo tay chi tiền để thâu tóm, SCG đã trở thành ông chủ của hàng loạt doanh nghiệp Việt nổi tiếng như Prime Group, Batico… Nhiều năm trước, SCG đã mua 20,4% cổ phần của Nhựa Bình Minh (BMP) và 23,84% cổ phần của CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP).
Tại Nhựa Bình Minh, 20,4% chưa phải là con số mong muốn của SCG. Mới đây, tại phiên đấu giá diễn ra trong ngày 9/3/2018, thông qua công ty con Nawaplastic Industries đã có thêm 24,1 triệu cổ phiếu BMP và nâng tỷ lệ sở hữu tại Nhựa Bình Minh lên tới 49,92%. Nawaplastic Industries trở thành cổ đông lớn nhất tại Nhựa Bình Minh.
Điều đáng nói, để chiếm được lợi thế trong “cuộc đua” thâu tóm Nhựa Bình Minh cùng các đối thủ khác, Nawaplastic Industries sẵn sàng mua đắt hơn thị giá. Giá đấu thành công mà công ty này đưa ra là 96.500 đồng/CP, cao hơn thị giá ngày 8/3 là 10.500 đồng/CP, tương ứng 12,2%. Để mua thêm 24,1 triệu cổ phiếu mới, ông chủ người Thái phải chi khoảng 2.300 tỷ đồng. Số tiền mà Nawaplastic Industries mua đắt hơn thị giá là 254 tỷ đồng.
Vừa mua đã lỗ
Vừa thâu tóm xong những “ông lớn” Việt kể trên, các tỷ phú đã phải gánh chịu khoản lỗ khủng từ việc mua đắt. Nhưng chưa dừng lại ở đó, sau phiên đấu giá, cổ phiếu SAB và BMP cùng nhau giảm sâu khiến những khoản đầu tư kể trên tiếp tục khiến nguồn vốn của Vietnam Beverage và Nawaplastic Industries cùng hao hụt nhanh.
Cụ thể, đóng cửa phiên giao dịch 12/3/2018, cổ phiếu SAB dừng ở mức 220.200 đồng/CP, giảm 99.800 đồng/CP, tương ứng 31,2% so với giá đấu thành công. Điều đó đồng nghĩa với việc khoản đầu tư này “bốc hơi” 31,2%, tương ứng 34.298 tỷ đồng (khoảng 1,51 tỷ USD). Đây là khoản mất mát rất lớn.
Không thiệt hại nặng nề như Vietnam Beverage, Nawaplastic Industries cũng phải chứng kiến vốn đầu tư giảm giá trị. Đóng cửa phiên giao dịch 12/3, nghĩa là chỉ sau 2 phiên, cổ phiếu BMP giảm 7.500 đồng/CP xuống 78.500 đồng/CP. Còn so với mức giá mua vào của Nawaplastic Industries, BMP còn mất mát lớn hơn khi giảm 18.000 đồng/CP. BMP khiến khoản đầu tư của ông chủ Thái “đánh rơi” 434 tỷ đồng.
Dù vậy, dường như với các ông chủ người Thái, đây không phải vấn đề lớn. Ngay sau khi thâu tóm Bia Sài Gòn với mức giá đắt đỏ, Thaibev - công ty mẹ của Vietnam Beverage - đơn vị có cổ phiếu niêm yết ở Singapore đã có thông tin gửi đến Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore. Theo đó, Thaibev cho biết thương vụ này giúp Thaibev mở rộng thị trường khu vực và ngay lập tức tiếp cận được mạng lưới phân phối rộng lớn ở Việt Nam. Tập đoàn này cũng khẳng định việc mua cổ phần Sabeco phù hợp với tầm nhìn năm 2020 của hãng.
Các chuyên gia phân tích của Công ty chứng khoán CIMB - GK (Singapore) nhận xét: “Thương vụ này có thể quá đắt đỏ nhưng nó mang lại cho Thaibev cơ hội tiếp cận với một công ty lớn mạnh trong ngành. Vụ thâu tóm này phù hợp với tầm nhìn năm 2020 của tập đoàn là trở thành một công ty giải khát tầm cỡ khu vực”.
Sau khi Thaibev thâu tóm thành công Sabeco, cổ phiếu Thaibev giảm đáng kể. Không chỉ gánh chịu thiệt hại về giá cổ phiếu, Thaibev còn chịu thiệt hại về thương hiệu. Thaibev cho biết, để tài trợ cho thương vụ này, Thaibev và công ty con do tập đoàn này sở hữu 100% vốn là BeerCo Limited đã thực hiện 6 khoản vay khác nhau với tổng số tiền tương đương 5 tỷ USD. Thông tin này khiến hãng định mức tín nhiệm Fitch Ratings của Thái Lan xếp Thaibev vào danh sách theo dõi tiêu cực (Ratings Watch Negative).
Bảo Linh