"Năm ngoái, tôi có đọc một cuốn sách nhan đề Từ tốt đến vĩ đại. Bài học đầu tiên và quan trọng nhất mà tác giả chia sẻ là chọn người đi cùng mình trước rồi mới chọn làm cái gì và làm như thế nào. Tôi thấy rất chính xác", Võ Minh Ngọc – Đồng sáng lập kiêm Tổng Giám đốc Impactus – trầm ngâm.
Bắt tay với toàn giảng viên Đại học dạy giỏi, nhưng phải đập đi xây lại toàn bộ sản phẩm…
Impactus là mô hình giáo dục kỳ vọng không chỉ giúp các bạn trẻ phát triển bản thân ở khả năng ngôn ngữ (Tiếng Anh) mà còn phát triển "job readiness" (các kỹ năng làm việc) cần thiết để đáp ứng nhu cầu nhân sự chất lượng cao vốn đang rất khan hiếm.
Chính thức chào đời vào tháng 3/2017 với 450 triệu đồng vốn góp, Impactus đã mở ra 70 lớp học với hơn 700 học viên, với 2 dòng sản phẩm chính về English Communication (Tiếng Anh giao tiếp) và Career Development (Phát triển sự nghiệp).
Khi được hỏi về lợi thế cạnh tranh của Impactus với các trung tâm tiếng Anh khác, Ngọc thừa nhận việc bị nhầm lẫn với các trung tâm tiếng Anh là trở ngại lớn nhất của Startup này.
Hiểu đơn giản, các trung tâm tiếng Anh dạy về tiếng Anh giao tiếp là các bạn gặp người nước ngoài ở Bờ Hồ thì có thể trò chuyện xã giao với họ, còn Impactus cũng đào tạo tiếng Anh, nhưng dùng trong môi trường đi làm, ví như gặp các khách hàng VIP như Microsoft, HSBC thì cần nói gì, trong các tình huống giả lập trong ngành Sales, Marketing thì ứng xử ra sao… Học xong level cao nhất, các học viên có thể pitching một dự án bằng tiếng Anh.
Gây dựng được chừng 1 năm, cũng đã có những thành công nhất định khi có những học viên là KOLs như ca sỹ Mỹ Linh (học về Business Writing), hay Manager như anh Phạm Đức Tuấn - Quản lý các dự án Phát triển thị trường và năng lực của Canifa (nay anh Tuấn là một trong những Mentors có profile "chất" nhất trong hệ thống Mentors của Impactus), Impactus của ngày hôm nay đã trưởng thành từ những bài học khá đau về lựa chọn Cofounders và lựa chọn sản phẩm.
Võ Minh Ngọc (áo xanh) – Đồng sáng lập kiêm Tổng Giám đốc Impactus.
Mang tầm nhìn nâng cao năng lực cho nguồn nhân lực Việt Nam, Impactus không muốn đào tạo theo hướng học thuật, mà đặt ra yêu cầu giảng viên phải là những người có kinh nghiệm thực chiến, với các bài tập thiết kế phải từ các tình huống thực tế đưa vào.
Trong số 8 nhà sáng lập ban đầu, có một số Cofounder là giáo viên. Cofounder này lại được giao nhiệm vụ phụ trách sản phẩm. Do đó, lúc đầu Impactus phối hợp với một số giảng viên rất giỏi ở các trường đại học.
Dù định hướng đề bài đặt ra là đào tạo tiếng Anh sử dụng được trong công việc, nhưng sau một vài khóa và từ feedback của các học viên, Ngọc nhận ra cách các bạn dạy không giống như cách Ngọc và Hưng (Lưu Đình Hưng – Đồng sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành Impactus) mường tượng ra.
"Các bạn giảng viên dạy theo hướng rất học thuật, trong khi đó Impactus định hình câu chuyện giảng dạy phải mang tính thực tế. Cho nên, về sau chúng tôi phải bỏ hết tất cả phần sản phẩm. Sản phẩm hiện giờ của chúng tôi update liên tục đến bây giờ đã là đời thứ 10, dù Impactus ra đời mới 1 năm", Ngọc chia sẻ.
Thực ra, các giảng viên hồi đầu Impactus chọn đều là những người rất giỏi chuyên môn Sư phạm, đang là giảng viên đào tạo Tiếng Anh chuyên ngành tại các trường ĐH hàng đầu về đào tạo ngoại ngữ tại Hà Nội, được học bổng 100% đi du học các nước phương Tây và có đến 7 - 8 năm kinh nghiệm đi dạy. Tuy nhiên về sau muốn đẩy mạnh hơn nữa yếu tố THỰC TẾ - KINH NGHIỆM THỰC TIỄN TẠI CÁC TẬP ĐOÀN ĐA QUỐC GIA để thực sự tạo sự khác biệt, Ngọc quyết định sẽ tự mình xây dựng chương trình và xin tư vấn chuyên môn sư phạm từ các giảng viên này.
Hiện Impactus "lọc" giảng viên khá kỹ, nếu như các trung tâm tiếng Anh thường ưu ái chọn giảng viên là người nước ngoài, thì Impactus cố tình loại những giảng viên này. "Giảng viên nước ngoài sang Việt Nam lại chuyên đi dạy tiếng Anh bình thường sẽ không có nhiều kinh nghiệm làm việc ở các môi trường đa quốc gia, thế nên cách họ dạy sẽ không phù hợp theo yêu cầu bên mình", Ngọc giải thích.
Chọn Cofounders là bạn bè, 4 nhà sáng lập ra đi
Cùng với nỗi đau về sản phẩm, Impactus đối diện với nỗi đau khác – chia tay 4 nhà sáng lập .
Sau khi thành lập công ty vào tháng 3/2017, Impactus gọi vốn. Vì cần nhiều vốn, Ngọc và Hưng đã "chào đón" rất nhiều bạn bè làm cổ đông.
"Những người ấy hoặc là học viên cũ, hoặc là bạn bè. Tôi quen họ đã lâu và biết năng lực họ tốt, và tin tưởng được. Mối quan hệ giữa chúng tôi rất tốt", Ngọc kể.
Khi ấy, Ngọc và Hưng không hề nhìn ra nguy cơ của việc có quá nhiều cổ đông, mà phải mãi sau này, họ mới phát hiện ra rằng: Không phải cứ làm bạn với nhau sẽ làm kinh doanh được với nhau.
"Muốn làm kinh doanh với nhau phải có những quyết định chung và cách làm chung về kinh doanh. Tôi với Hưng có cùng cách nhìn là mọi thứ phải nhanh, rất nhanh. Đã làm Startup thì phải nhanh, nhiều khi mình chưa đưa ra một kế hoạch hoàn chỉnh đã phải quyết rồi. Chưa biết nó có thành công hay không nhưng thấy đây là hướng tốt thì cứ làm đi đã. Vừa làm vừa sửa. Nhưng bạn bè của tôi có rất nhiều người "chắc ăn"", Ngọc kể.
Sau vài lần như vậy, mâu thuẫn cứ thế nảy sinh. Về sau, 4 Cofounders bán lại cổ phần cho nhóm cổ đông còn lại. Hiện nay, Impactus còn 4 cổ đông.
"Mình cảm thấy cấu trúc như hiện nay ổn hơn nhiều, ít người hơn. Và những người kia cũng không can thiệp quá sâu vào cách điều hành của bên mình", Ngọc nói.
Tham vọng nâng tầm năng lực người Việt
Chia sẻ về lợi thế của Impactus Giám đốc điều hành 9x Lưu Đình Hưng cho biết: Điểm đặc biệt nhất là Impactus đã xây dựng nên một hệ sinh thái khép kín, bao gồm 1- Định hướng, 2- Đào tạo, và 3- Kết nối với các Mentors.
Trong các khóa học về phát triển nghề nghiệp, các học viên được chia thành các phòng ban giả lập để giải quyết các vấn đề thực tế tại các MNCs.
"Khi đi làm, các bạn biết rằng mình thiếu tiếng Anh, thiếu khả năng làm việc A, B, C, nhưng không biết rằng những kỹ năng ấy sẽ giúp các bạn đi tới đâu trên con đường sự nghiệp sắp tới. Hoặc rất nhiều bạn sinh viên mới ra trường không biết tại sao tôi lại làm công việc trong ngành Sales, Marketing…", Hưng chia sẻ về lý do đưa thêm vào mô hình đào tạo của Impactus giai đoạn Định hướng.
Với hệ thống Mentors là các Managers trong nhiều ngành, các bạn trẻ sẽ được các bậc đàn anh, đàn chị đồng hành trực tiếp trong 3 - 6 tháng để hướng dẫn các bạn ấy thi tuyển vào các công việc mong muốn hay tư vấn sâu hơn về con đường nghề nghiệp của các ngành mà các bạn trẻ đang theo đuổi.
Bên cạnh đó, Impactus thường xuyên tổ chức các workshop, buổi chia sẻ, hay thậm chí các buổi tư vấn 1:1 để hỗ trợ trong quá trình học viên chưa tìm kiếm được con đường sự nghiệp mà họ mong muốn.
Chia sẻ về những thành tựu của Impactus, Ngọc và Hưng cho biết Startup này đã có cơ hội đào tạo cho một doanh nghiệp lớn Việt Nam, với các học viên là các cấp trưởng, phó phòng, thậm chí giám đốc công ty. "Tuy nhiên vì yêu cầu bảo mật, chúng tôi toàn phải "âm thầm đi qua hầm", dù profile của khách hàng rất tốt", Ngọc cười.
Những thành tựu có thể chia sẻ được của Impactus là việc được câu lạc bộ sinh viên lớn của các trường top đầu như ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế Quốc dân mời đào tạo các kỹ năng cho ứng viên như kỹ năng pitching, thuyết trình dự án, tư duy phản biện…
Trong tháng 3 và tháng 4 này, Impactus cũng sẽ tư vấn và đào tạo chuyên môn cho cuộc thi kỹ năng Hùng biện (Debate) bằng tiếng Anh do Đoàn thanh niên của Ngân hàng MB Bank tổ chức.
"Không hiểu sao bọn mình luôn gặp may mắn từ khi mới thành lập đến giờ, được rất nhiều người giúp, mà lại toàn người giỏi và có tâm", Ngọc kể.
Một trong những Mentor giỏi và có tâm được đề cập là anh Phạm Đức Tuấn - Quản lý các dự án Phát triển thị trường và năng lực của Canifa. Sau khi tìm đến học theo mô hình 1:1, thấy mô hình của Impactus thú vị, anh đã chủ động đề nghị làm Mentor hỗ trợ các bạn trẻ dù rất bận rộn.
Không giấu diếm việc nhiều khi cảm thấy chán nản khi Startup vì còn khá trẻ, Hưng bày tỏ việc gắn bó với Impactus đến ngày nay vì tham vọng muốn thực sự tạo dựng một mô hình mới thay đổi nền tảng tư duy và nâng tầm người Việt.
"Tiếp xúc với môi trường bên ngoài nhiều, tôi thấy người Việt cứ tự thấy mình kém cỏi trong khi khả năng tư duy rất ổn, chỉ kém về khả năng truyền tải tư duy đó như thế nào, hay cách vận dụng tư duy đấy để giải quyết vấn đề thì người Việt yếu. Branding của người Việt trên thị trường quốc tế đang rất thấp".
"Những cái này làm cho người Việt bị kém hơn hẳn so với những bạn đến từ Singapore, Malaysia, Indonesia. Tôi nghĩ tại sao mình lại luôn bị thua kém như thế trong khi người Việt năng lực không hề tệ. Cho nên tôi có tham vọng muốn thay đổi hình ảnh người Việt, muốn để người ta khi nhìn vào Việt Nam sẽ thấy đây là nơi sản sinh ra nguồn nhân lực thực sự chất lượng. Có thể đấy là bài toán 10-20 năm nữa. Tôi tin với hướng đi hiện tại, chúng tôi hoàn toàn có thể góp phần vào việc giải bài toán ấy", Hưng thổ lộ.