Sau 5 năm tìm kiếm, cặp vợ chồng ở TP.HCM đã chọn mua mảnh đất 6000m2 ở Vũng Tàu làm chốn đi về cho cả gia đình vào dịp cuối tuần.
Đôi vợ chồng Ngọc Huân – Cẩm Tú đều sinh năm 1983, đang sinh sống ở TP.HCM. Họ có công ty riêng, kinh doanh về công nghệ - tin học.
Hai vợ chồng lập nghiệp ở thành phố nhưng xuất thân từ gia đình làm nông nghiệp. Vì vậy, họ có chung sở thích làm vườn, trồng cây.
Nhà vườn nằm bên con đường dân sinh. |
Cách đây 5 năm, hai vợ chồng đã lên phương án “nghỉ hưu” sớm bằng việc ra các vùng ngoại ô tìm mua đất làm nhà vườn. Tuy nhiên, qua nhiều lần đi xem đất, cả hai vẫn chưa ưng ý.
Một năm trước, được người quen giới thiệu, anh Huân và chị Cẩm Tú về Vũng Tàu thăm mảnh đất 6000m2, đang được chủ trồng nhiều loại cây trái. Chị Cẩm Tú đã ưng ý ngay khi đặt chân đến đây.
Mảnh đất có sẵn ngôi nhà cấp 4, con suối nhỏ, nhà chòi ngồi hóng mát…
Trước cổng, chị Tú trồng cỏ đậu phụng xanh mướt. |
Khi nhận bàn giao từ chủ cũ, chị lên phương án cải tạo, ngoài trồng cây ăn trái, chị trồng thêm một số loại dược liệu, ngũ cốc, sầu riêng và hoa.
Chiếc hồ nhỏ được lấp đi, thay vào đó chị sẽ đào chiếc hồ lớn hơn, có hệ thống lọc nước để nuôi cá.
"Sau này nghỉ hưu về đây ở, vợ chồng tôi có thể sẽ xây lại nhà theo thiết kế hiện đại, tiện nghi nhưng vẫn đảm bảo hòa hợp với thiên nhiên", chị chia sẻ.
Vườn có bơ, xoài, chuối, roi, đu đủ, dừa, sapoche, dứa...
Cẩm Tú vốn là người Đà Lạt, ngay từ nhỏ thường theo bố mẹ đi làm vườn nên có vốn kiến thức kha khá về trồng trọt.
Chị cho biết thêm, nguyên nhân nữa khiến mình muốn làm nhà vườn, thay vì đầu tư vào các khu nhà mặt phố, chung cư cao cấp… là lo ngại về vấn đề thực phẩm bẩn.
Trước đây, hàng tuần chị phải nhờ mẹ chồng mua rau, củ, quả và thịt sạch dưới quê gửi lên.
Vợ chồng chị luôn thích được sống tại môi trường thoáng đãng, có vườn cây, ao cá cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho gia đình. Mảnh đất rộng 6000m2 này đã đáp ứng đủ các tiêu chí bản thân chị đặt ra.
Nhà chòi hóng mát. |
Theo chị Tú, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Vũng Tàu rất phù hợp để trồng cây, làm vườn.
Mảnh đất mới được bàn giao, đến giờ gia đình chị vẫn đang trong quá trình hoàn thiện.
Khu nhà vẫn đang trong giai đoạn xây dựng, cải tạo thêm.
Ngoài những cây sẵn có, chị trồng thêm rau, hoa, một số loại cây ăn quả như: Sầu riêng, măng cụt và nuôi thêm gà, vịt. Thời gian tới, chị dự định trồng thêm vườn mai.
Toàn bộ việc cải tạo đất, trồng cây hai vợ chồng chị tự làm nhưng thuê thêm một nhân công trông coi khi mình vắng mặt.
Cẩm Tú cho biết, chị chứng kiến nhiều nơi trồng cây lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ, thuốc kích thích… khiến nguồn nước và không khí ở đó ô nhiễm nặng nề. Bởi vậy, chị hướng đến nông nghiệp xanh, trồng bằng công nghệ an toàn sinh học.
Nếu muốn cây ít bị sâu, nấm, chị tiến hành cải tạo đất. Đây là khâu rất quan trọng, ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cây.
Cái ao nhỏ sẽ được lấp đi, lấy đất trồng cây. |
Trước khi trồng, chị Cẩm Tú đánh tơi đất. Sau đó, chị rắc hỗn hợp vôi bột trộn với phân bò đã qua xử lý và thuốc sinh học Trichoderma theo tỷ lệ nhất định xuống đất và xới đều. Sau khi rắc xong, chị Cẩm Tú để đất khoảng 1 tuần mới trồng cây.
Vườn cây sum suê, quanh năm đều có trái.
Bên cạnh đó, chị tận dụng rác thải từ rau, đầu cá, thực phẩm thừa… trộn với Trichoderma, ủ một thời gian rồi mang bón cho gốc cây.
Chị còn chế thuốc trừ sâu sinh học từ hỗn hợp ớt, tỏi xay nhuyễn, trộn với rượu, rồi xịt lên vùng rau bị sâu.
Giá úp bát, bồn rửa được làm từ tre trong vườn.
Các con chị rất hào hứng khi tham gia vào các giai đoạn chăm sóc cây của bố mẹ. Từ tưới nước, nhổ cỏ, bắt sâu, bón phân và thu hoạch.
Trong vườn, anh chị còn trồng gừng, riềng, rong, nghệ đen, nghệ vàng, hồng hoa…
Dậu mồng tơi trồng hữu cơ và bữa cơm từ thực phẩm chị Cẩm Tú tự nuôi, trồng.
Từ khi có vườn, các con chị Tú rất thích thú vì những trải nghiệm thực tế và học thêm được nhiều kỹ năng sống.
Nhà vườn làm theo mô hình vườn - ao - chuồng.
Quỳnh Nga