Chọn đối tác Singapore lập quy hoạch chung, TP Đà Nẵng sẽ phát triển theo hình mẫu nào?
Theo đó, Đà Nẵng sẽ trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực Châu Á.
Nghị quyết của Bộ Chính trị đồng ý chủ trương cần có cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng, tạo động lực cho phát triển khu vực miền Trung và Tây Nguyên và cả nước.
Trong đó, cho Đà Nẵng được thực hiện phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm địa phương, người đứng đầu trên một số lĩnh vực quản lý về quy hoạch, đất đai, đô thị, đầu tư, tài chính - ngân sách, tổ chức, nhân sự và tiền lương...; nghiên cứu cơ chế điều tiết hợp lý giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương; có cơ chế đặc thù để thu hút các nhà đầu tư chiến lược.
Bộ Chính trị cũng đồng ý chủ trương cho phép Đà Nẵng được xây dựng và thực hiện Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị phù hợp với yêu cầu phát triển của thành phố và quy định của pháp luật.
Cơ chế, chính sách đặc thù của Bộ Chính trị sẽ cho phép Đà Nẵng có cơ sở nghiên cứu, xây dựng các Đề án, chương trình hành động cụ thể trong việc tháo gỡ các "điểm nghẽn" trong việc thu hút đầu tư vào thành phố liên quan đến đất đai, quy hoạch, huy động nguồn vốn đầu tư, cơ chế đặc thù để thu hút các nhà đầu tư chiến lược…
Giải quyết được các "điểm nghẽn" sẽ là cơ hội vàng để Đà Nẵng cất cánh, thu hút thêm các nguồn lực phát triển Đà Nẵng theo hướng bền vững.
Tại cuộc họp báo “Tọa đàm mùa Xuân 2019” tổ chức ngày 20/2, trả lời câu hỏi phóng viên liên quan đến Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, Giám đốc Sở Xây dựng Vũ Quang Hùng cho biết thành phố đã ký biên bản ghi nhớ với đối tác Singapore.
Ông Hùng cho biết thêm ngày 26/4/2018, UBND TP Đà Nẵng ký Biên bản ghi nhớ với Liên đoàn Sản xuất Singapore, giữa UBND TP Đà Nẵng với Công ty Sakae Holdings về việc giới thiệu các chuyên gia của Singapore để phối hợp lập Quy hoạch chung của thành phố.
Thời gian qua, các cơ quan chức năng của Đà Nẵng hoàn thành các thủ tục lập, thẩm đinh, phê duyệt đề cương, dự toán; kế hoạch lựa chọn nhà thầu; phê duyệt, thông báo và phát hành hồ sơ yêu cầu... theo trình tự quy định của pháp luật Việt Nam. Phía tư vấn đang chuẩn bị hồ sơ đề xuất để đáp ứng các điều kiện hồ sơ yêu cầu nêu trên để tiến hành thương thảo hợp đồng chi tiết.
Những năm gần đây, với tín hiệu tích cực của nền kinh tế Đà Nẵng cùng các sự kiện lớn liên tục được thành phố đăng cai tổ chức đã đẩy thị trường bất động sản (BĐS) tại thành phố liên tục tăng cao.
Theo Giám đốc Sở xây dựng TP Đà Nẵng, hai mũi quy hoạch phát triển đô thị được xác định là phía Đông Nam và Tây Bắc thành phố. Sự phát triển về phía Nam để kết nối đô thị Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam); phát triển về hướng Tây và Tây Bắc hình thành các đô thị vệ tinh, các khu sản xuất tập trung với các dự án đầu tư động lực để phát triển kinh tế.
Khu vực đô thị phía Tây được thiết kế đô thị thấp tầng, cảnh quan sinh thái. Diện mạo của đô thị đến năm 2030 thể hiện rõ các phân khu chức năng. Không gian đô thị Đà Nẵng lan tỏa theo chiều rộng để có khả năng đáp ứng thu nạp quy mô dân số từ 2-3 triệu người.
Đến năm 2030, cơ sở hạ tầng đầu tư đồng bộ với hạ tầng giao thông đường bộ (đường quốc lộ, tỉnh lộ, đường đô thị và đường nông thôn); kết nối các trục giao thông đường bộ quốc gia, đường sắt cao tốc, đường ven biển; nâng công suất sân bay quốc tế Đà Nẵng; hình thành cảng biển mới như cảng Liên Chiểu, phát triển dịch vụ logistics. Các tuyến đường giao thông nội thị xuất hiện những loại hình giao thông hiện đại như đường sắt trên cao; tàu điện ngầm, xe buýt công cộng phát triển mạnh và bao phủ.
Đến năm 2030, những điểm nghẽn trong quy hoạch sẽ được khắc phục để Đà Nẵng phát triển thành đô thị đang có đủ tầm, đủ sức đón tương lai với đòn bẩy là đầu tư hạ tầng đô thị, trong đó hạ tầng giao thông phát triển theo chiều sâu.
Đến năm 2030, cấu trúc không gian đô thị ở Đà Nẵng sẽ mạch lạc để chuyển sang giai đoạn phát triển mới hướng về tầm nhìn 2050. Đây là giai đoạn phát triển của thành phố môi trường, thành phố thông minh.
Đại diện Liên đoàn sản xuất Singapore, đối tác của thành phố Đà Nẵng trong việc giới thiệu đơn vị tư vấn lập điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn 2050 cho biết, Đà Nẵng tiếp cận xây dựng "Thành phố Xanh" là hướng phát triển chủ đạo. Một không gian đô thị xanh là khởi nguồn cho đô thị bền vững và phải đặt nền móng ngay từ bây giờ.
"Đà Nẵng phải tận dụng lợi thế của mình, biến mảnh đất này thành nơi thu hút người tài cả nước, cả thế giới phải xếp hàng để đến Đà Nẵng. Lúc đó, TP Đà Nẵng sẽ rất độc đáo, xán lạn, đưa tên mình lên bản đồ thế giới", vị chuyên gia đến từ Singapore chia sẻ.
Để thực hiện mục tiêu chiến lược này, UBND TP Đà Nẵng cũng vừa công bố danh mục 7 dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP (hợp tác công-tư) gồm: cảng Liên Chiểu; khu liên hợp xử lý chất thải rắn; ga đường sắt mới và khu đô thị tích hợp; phát triển hạ tầng và công nghệ về giải pháp giao thông phi cơ giới; tàu điện Đà Nẵng - Hội An; xây dựng thành phố thông minh và dự án xây dựng mới các khu công nghiệp.
Cũng trong đầu năm 2019, UBND TP Đà Nẵng đã công bố danh sách 44 dự án dự kiến kêu gọi đầu tư trong năm 2019 và 16 dự án trọng điểm đang đàm phán, xúc tiến đầu tư với các nhà đầu tư đầy tiềm năng như tập đoàn Sembcorp (Singapore), tập đoàn Mitsui & Co (Nhật Bản), tập đoàn Matrix Holdings Limited (Hồng Kong). Trong đó có rất nhiều dự án kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực bất động sản và Khu Công nghệ cao Đà Nẵng.
Những dự án thuộc lĩnh vực BĐS trọng điểm để đàm phán và xúc tiến đầu tư nước ngoài trong năm 2019:
1- Dự án Công viên phần mềm số 2 có diện tích 52.600m2, số vốn đầu tư dự kiến 91,6 triệu USD.
2- Khu Giáo dục ngoại khóa kết hợp du lịch sinh thái có diện tích 46ha tại xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang. Số vốn đầu tư dự kiến 10 triệu USD.
3- Khu đô thị Đại học Pegasus có diện tích 20ha, tại khu dân cư phía tây làng Đại học Đà Nẵng, quận Ngũ Hành Sơn. Số vốn đầu tư dự kiến 15 triệu USD.
4-5: Dự án Trường Đua ngựa và Dự án Trung tâm huấn luyện và nhân giống ngựa dự án địa điểm tại huyện Hòa Vang. Dự kiến vốn đầu tư 200 triệu USD.
6- Dự án thành phố thông minh tại quận Ngũ Hành Sơn. Vốn đầu tư chưa xác định.
7- Dự án Công viên văn hóa Ngũ Hành Sơn. Nhà đầu tư đang nghiên cứu lập thiết kế quy hoạch, chưa xác định vốn đầu tư.
8- Dự án bất động sản đường Võ Văn Kiệt - Võ Nguyên Giáp, quận Sơn Trà. Mục tiêu dự án xây dựng Khu tổ hợp Trung tâm tài chính, casino, nghỉ dưỡng.