Chọn điểm khởi đầu cho cuộc hành trình dài có ý nghĩa rất quan trọng – nó có thể là yếu tố ảnh hưởng đến thành công hay thất bại trong cả sự nghiệp sau này của bạn.
Dĩ nhiên, nếu ở địa phương hoặc tại thời điểm không có chọn lựa để ra quyết định thì khỏi cần phân vân làm gì – trong nhiều trường hợp khác, đôi khi bạn phải đắn đo nhiều và cân nhắc kỹ. Ví dụ như nên nộp đơn vào đâu hoặc sẽ chấp nhận thư mời nhận việc của ngân hàng nào?
Thay vì chọn lựa ngẫu nhiên rồi phó mặc cho may rủi, việc tìm hiểu thông tin và thận trọng cân nhắc giúp bạn tự tin hơn trong quyết định và thông thường sau đó cũng sẽ giúp bạn thêm kiên định trong mọi hoàn cảnh...
Cách đây không lâu, nguời viết bài này nhận được câu hỏi trăn trở của một sinh viên vừa mới tốt nghiệp – vấn đề của bạn trẻ này hình như cũng đang là băn khoăn của nhiều bạn giai đoạn chập chững vào nghề. "Em mới ra trường, muốn thử sức ở vị trí RM trong ngân hàng. May mắn em đã nhận được hai offer. Một của ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ - nhưng có anh giám đốc rất giỏi (chị của bạn em làm ở đây bảo vậy), cái còn lại từ một ngân hàng lớn trên cùng địa bàn. Mới đi làm, em chưa quan trọng lắm về thu nhập. Theo anh, em nên chọn ngân hàng nào?"
Theo tỉ phú Jack Ma (Alibaba) - thì bạn nên chọn ngân hàng có anh giám đốc giỏi vì ông ấy từng nhiều lần khuyên "25-35 tuổi, chọn nơi có sếp giỏi mà làm!". Còn theo CEO huyền thoại Jack Welch (General Electric) thì bạn nên chọn ngân hàng lớn vì "làm việc ở tổ chức lớn, bạn sớm trở nên chuyên nghiệp hơn!".
Ý nào cũng có cái đúng, với sếp giỏi thì bạn học hỏi được nhiều kỹ năng, nắm bắt nhanh nghiệp vụ và có thêm cảm hứng tích cực về nghề nghiệp. Còn ở tổ chức lớn – bạn có cơ hội tốt để học hỏi về hệ thống, thêm kinh nghiệm về quy trình và am hiểu hơn các chuẩn mực...
Như vậy, một nơi thì bạn học được nhiều từ hệ thống – chỗ kia bạn sẽ học được rất nhiều từ kinh nghiệm cá nhân. Bài học nào cũng cần thiết và có giá trị cho nghề nhiệp quan trọng như nhau.
Điều ý nghĩa ở chỗ người sếp giỏi vừa mang lại cho bạn nhiều cảm hứng tích cực vừa là chỗ dựa tinh thần, bồi đắp thêm lòng nhiệt tình với công việc và sự gắn bó với tổ chức. Cần biết rằng, trong sự nghiệp của một banker – giai đoạn hai năm đầu đối với đa số là thời gian khá thách thức: hoà nhập nhanh môi trường, học hỏi quy trình, nắm bắt thấu đáo sản phẩm, hợp tác cùng đồng nghiệp cộng thêm áp lực chỉ tiêu hay đòi hỏi phải luôn làm hài lòng khách hàng. Để có thể vượt qua, ngoài nỗ lực cá nhân thì sự ủng hộ, dẫn dắt và tạo động lực của người quản lý trực tiếp là rất cần thiết.
Một người sếp giỏi có thể vừa là người đồng nghiệp, người anh, người thầy, người truyền lửa - đó thực sự còn hơn cả may mắn – do vậy, lựa chọn này rất đáng cân nhắc!
Ở góc độ khác - làm việc tại một ngân hàng lớn với quy mô phát triển vượt trội – bạn có cơ hội tiếp cận tư duy và phương pháp làm việc chuyên nghiệp hơn, học hỏi được nhiều điều bổ ích từ hệ thống và thực hành công việc với ứng dụng công nghệ hiện đại vv... Chính những điều này sẽ giúp mang lại cho bạn kiến thức nền tảng tốt, dễ hình thành tính cách năng động và lối suy nghĩ sáng tạo, đột phá. Trong đa số trường hợp - đây là một cơ hội tuyệt vời để tích luỹ kinh nghiệm quý báu cho sự nghiệp lâu dài nhiều năm sau.
Bạn đang sốt ruột muốn biết ý kiến cuối cùng - trong trường hợp bạn sinh viên này thì nên chọn ngân hàng nào?
Thật tình chẳng có câu trả lời nào cho bạn cả.
Tốt nhất bạn cũng đừng nên nghe lời ai. Mọi lời khuyên đều chỉ có tính chất tham khảo. Chính bạn nên tự tìm hiểu và đưa ra quyết định – đôi khi có phần nặng cảm tính cũng chẳng sao. Vì một khi đã quyết rồi, bạn sẽ có trách nhiệm hơn với lựa chọn của mình!
Nhưng hãy ghi nhớ một điều: dù là ngân hàng lớn hay nhỏ, quốc doanh hay cổ phần - nếu đang tuyển dụng tức là bạn có một cơ hội!
Một khi đã đón nhận thì nên quyết liệt dấn thân. Hãy làm việc với tinh thần mạnh mẽ của sức trẻ, luôn thể hiện khao khát học hỏi - với mong muốn cống hiến và sự kiên trì – chắc chắn bạn sẽ sớm gặt hái kết quả!
Hiểu như thế bạn sẽ nghiệm ra rằng, trong sự nghiệp lâu dài của một banker – điểm khởi đầu có ý nghĩa quan trọng nhưng không quan trọng bằng nỗ lực trong suốt hành trình sau đó.