Sáng 5-3, tại TP HCM, Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu , gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 Quốc gia) tổ chức hội nghị sơ kết 8 tháng thực hiện kế hoạch số 27/KH-VPTT ngày 14-6-2019.
Theo báo cáo, tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia tại các địa bàn trọng điểm có nhiều đường mòn, lối mở, đường ngang, ngõ tắt, kênh rạch chằng chịt là điều kiện thuận lợi để các đối tượng lợi dụng để buôn lậu.
Các đường dây buôn lậu được tổ chức ngày càng chặt chẽ; có phân công cho người đối phó với cơ quan chức năng; phương thức ngày càng tinh vi, liều lĩnh, manh động. Các mặt hàng buôn lậu chủ yếu vẫn là đường cát, thuốc lá, rượu ngoại, hàng điện tử - điện lạnh cũ, xăng dầu, thực phẩm chức năng, ma túy...
Với mặt hàng xăng dầu, các đầu nậu chủ yếu đến từ Đài Loan, Malaysia, Indonesia... Họ thỏa thuận giá cả, thời gian, địa điểm giao hàng với người mua tại Việt Nam. Sau đó sử dụng tàu dịch vụ hậu cần nghề cá chỉ mua đủ lượng nhiên liệu cho tàu chạy từ bờ ra đến điểm hẹn để bán lại cho các tàu của ngư dân Việt Nam hoặc hợp thức hóa hồ sơ vận chuyển vào bờ tiêu thụ. Còn các mặt hàng khác được tập kết sát biên giới dùng nhiều phương tiện vận chuyển qua Việt Nam tiêu thụ.
Ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Riêng mặt hàng đường cát, đối tượng buôn lậu đưa bao bì in sẵn nhãn mác "Made in Việt Nam" sang Campuchia để đóng gói trước khi tuồn hàng vào Việt Nam. Đường lậu hoành hành còn do bất cập từ việc cấp phép cho các cơ sở sang chiết, chế biến đường cát thành đường phèn gần biên giới đã gây khó khăn cho công tác chống buôn lậu.
Về ma tuý, các đối tượng không chỉ vận chuyển từ nước ngoài vào mà còn móc nối với bọn cầm đầu bên Đài Loan, Trung Quốc thành lập các công ty trá hình để sản xuất, cất giấu ma túy tại Việt Nam.
Ông Phạm Đức Chinh, Cục trưởng QLTT Long An, cho biết gần đây mặt hàng môtô phân khối lớn (từ 1.000-3.000 phân khối) giá trị cao cũng được tuồn qua biên giới trái phép. Thuốc lá ngoại được bắt giữ rất nhiều vụ, lên đến 2 triệu gói, trong đó khoảng 1 triệu gói chưa xử lý được vì vướng thủ tục.
Còn theo ông Huỳnh Ngọc Hồ, Phó Ban chỉ đạo 389 An Giang, nhiều vụ bắt giữ heo vận chuyển lậu từ Campuchia sang trong mùa dịch tả heo châu Phi đã gây khó khăn cho đơn vị trong khâu bảo quản vì phải tổ chức cho heo ăn cũng như chăm sóc. Chưa hết, trong mùa dịch Covid-19, nhiều người Campuchia sang Việt Nam thu gom khẩu trang để vận chuyển lậu về Campuchia bán kiếm lời. Ông Nguyễn Thành Công, Chánh Thanh tra Sở Công Thương Kiên Giang, cho biết khẩu trang được thu gom và bán lậu sang Campuchia do lãi khá cao, một hộp khẩu trang trong nước có giá khoảng 60.000 đồng nhưng khi sang Campuchia bán được 23 USD (khoảng 500.000 đồng/hộp).
Bà Phạm Thị Ngọc, Phó Ban chỉ đạo 389 Bình Phước, nhìn nhận đơn vị rất khó phối hợp các cơ quan chức năng khác trong công tác phòng chống buôn lậu nên nhiều vụ không tiến hành kiểm tra, bắt giữ được. Đối tượng buôn lậu còn sử dụng hóa đơn đỏ không ghi ngày tháng để đối phó với cơ quan chức năng (khi bị phát hiện họ mới ghi ngày tháng vào hóa đơn).
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, cho rằng các tỉnh thành có biên giới, trọng điểm buôn lậu cần phải nhận diện cho được mặt hàng buôn lậu, phương thức, thủ đoạn mới cũng như những khó khăn vướng mắc để báo cáo Chính phủ, Ban chỉ đạo sớm có biện pháp tháo gỡ.