Nhằm phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp đều ít nhiều nắm giữ một lượng tiền mặt nhất định (gồm cả tiền mặt và tiền gửi ngắn hạn). Việc nắm giữ bao nhiêu tiền mặt còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như đặc thù ngành nghề kinh doanh, nhu cầu đầu tư….
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh còn kéo dài, những công ty đang sở hữu lượng tiền mặt dồi dào và đòn bẩy tài chính thấp sẽ có khả năng chống chịu với thách thức và hồi phục tốt hơn so với các doanh nghiệp khác.
Thực tế là đa số các doanh nghiệp lớn nhất trên sàn chứng khoán đã gia tăng đáng kể lượng tiền mặt của mình. Dữ liệu của chúng tôi cho thấy, tính đến 30/6/2020, có trên 50 doanh nghiệp trên sàn nắm giữ lượng tiền mặt trị giá trên 1.000 tỷ đồng. Số liệu tiền mặt ở đây bao gồm cả tiền mặt tại quỹ, tiền gửi không kỳ hạn và tiền gửi có kỳ hạn dưới 1 năm (được phân loại là đầu tư tài chính ngắn hạn). Thống kê này không tính đến các định chế tài chính như ngân hàng, bảo hiểm và công ty chứng khoán.
Có tới 13 doanh nghiệp trong số này nắm giữ lượng tiền lên đến hơn 10.000 tỷ đồng. Đây đều là những doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế từ hàng không, năng lượng, hàng tiêu dùng, bất động sản đến sắt thép hay ô tô như ACV, PV GAS, Vingroup, Vinamilk, Petrolimex, Sabeco, FPT, VEAM, Tập đoàn Cao su…
Có 3 cái tên mới gia nhập CLB 10.000 tỷ tiền mặt là VinHomes (12.364 tỷ), Hòa Phát (12.148 tỷ) và Thế giới Di động (10.878 tỷ) với lượng tiền tăng từ 4.000-6.000 tỷ so với cuối năm 2019.
Lượng tiền mặt của Thế giới Di động tăng mạnh do doanh nghiệp này tập trung giải phóng hàng tồn kho còn với Hòa Phát có thể là sự chuẩn bị cho đầu tư giai đoạn 2 của khu liên hợp Dung Quất.
Tiền mặt của VinHomes tăng thêm 4.800 tỷ đồng, đóng góp chính vào mức tăng thêm 7.750 tỷ đồng của hệ thống Vingroup. Tại thời điểm cuối tháng 6, lượng tiền của Vingroup và các công ty con đạt 27.800 tỷ đồng – đứng thứ 3 thị trường sau ACV (33.800 tỷ) và PV GAS (33.600 tỷ).
Bộ đôi ngành hàng tiêu dùng Vinamilk và Sabeco nắm giữ lần lượt là 18.500 tỷ và 16.000 tỷ đồng.
Do tính chất trọng yếu của ngành dầu khí, nhiều công ty thành viên khác của Tập đoàn Dầu khí PVN cũng đều nắm giữ lượng tiền mặt rất lớn như PV GAS với 33.600 tỷ; PTSC (PVS): 8.600 tỷ; BSR 8.400 tỷ; PV Oil 7.700 tỷ; PV Power 6.900 tỷ; Đạm Phú Mỹ 4.400 tỷ ... Doanh nghiệp lớn nhất ngành xăng dầu Petrolimex cũng có trong tay gần 17.200 tỷ đồng.
Dù số đông gia tăng lượng tiền mặt thì ở chiều ngược lại, cũng có những cái tên suy giảm tiền mặt lớn, đặc biệt là 2 hãng hàng không Vietnam Airlines (giảm 2.265 tỷ) và Vietjet (giảm gần 3.700 tỷ). Tình hình thanh khoản của Vietnam Airlines đang khá cấp bách và doanh nghiệp này đang gấp rút lên kế hoạch huy động thêm vốn chủ cũng như vốn vay. Vietjet cũng lên kế hoạch bán cổ phiếu quỹ để bổ sung nguồn vốn.
Những cái tên hao hụt tiền trên 1.000 tỷ đồng khác có thể kể đến VEAM (giảm 2.200 tỷ), PVS (-1.100 tỷ), EVN Genco 3 (-1.900 tỷ) và Masan Group (-2.200 tỷ). Cuối tháng 6, Masan Group đã chi ra 20.000 tỷ đồng tiền mặt để mua thêm 12,6% lợi ích tại The CrownX, pháp nhân mới thành lập để sở hữu hệ thống Masan Consumer Holdings và Vincommerce.
Các doanh nghiệp nắm giữ lượng tiền trên 5.000 tỷ đồng tại thời điểm 30/6/2020