Tái cơ cấu thủy sản phát triển theo hướng nuôi biển (ảnh minh họa)
Phát biểu tại hội nghị, ông Vũ Văn Tám- Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện thủy sản Việt Nam đang gặp rào cản kỹ thuật thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC) đối với thủy sản Việt Nam. Và Luật thủy sản được thông qua trong bối cảnh rất là quyết liệt thực hiện tái cơ cấu ngành thủy sản nói riêng, cũng như ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng phát triển bền vững…
"Theo bối cảnh đó, có thể nói rằng, đây là bước ngoặt trong ngành thủy sản chúng ta có Luật thủy sản mới, coi như một thời điểm để chúng ta chuyển từ khai thác nghề cá nhân dân sang nghề cá trách nhiệm. Trước hết, đánh giá lại chiến lược phát triển thủy sản, hoạt động thủy sản của chúng ta trong thời gian vừa qua. Nếu chúng ta không có những giải pháp cấp bách trong 6 tháng tới thì EC có thể không những loại thẻ vàng đối với ngành thủy sản chúng ta, mà EC có thể rút thẻ đỏ. Và nhận thẻ đỏ có nghĩa là chấm dứt, hải sản của chúng ta sẽ rút khỏi thị trường EU, theo đó là các thị trường lớn khác như Mỹ, và các thị trường lớn khác cũng theo đó tác động. Như vậy sẽ ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến ngành thủy sản của chúng ta...”, ông Tám nói thêm.
Ông Nguyễn Hữu Dũng-Chủ tịch Hiệp hội nuôi biển Việt Nam ý kiến cần phát triển thủy sản theo hướng nuôi biển. “Bây giờ nếu ngành thủy sản muốn phát triển, hướng ra biển là con đường rộng mở duy nhất. Có 2 sự kiện tháng 11 vừa rồi, khiến chúng ta có suy nghĩ khác đi về phát triển nuôi biển công nghiệp. Cơn bão số 12 vừa rồi khiến 12.000 lồng nuôi tôm của dân là tan hết trơn. Trong đó lồng nuôi xuất xứ từ Na Uy ngay bên cạnh đó thì không sao. Như vậy không nên để dân đầu tư theo kiểu cũ mà cần giúp dân đầu tư theo hướng không ngán gì cơn bão 12 vừa rồi. Trong khi hiện nay, thẻ vàng của EU, không có động gì đến hải sản nuôi, chỉ có hải sản đánh bắt, đây cũng là hướng, thời cơ phát triển công nghiệp nuôi biển xa bờ”, ông Dũng kiến nghị.
Ông Đào Công Thiên- Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cũng cho rằng, để đảm bảo nguồn nguyên liệu thủy sản, con đường duy nhất là phải tiến hành nuôi biển.
Đối với việc triển khai Luật thủy sản, tái cơ cấu khai thác, ông Thiên kiến nghị, “Chỉ cần chúng ta dứt khoát không tiêu dùng, không ăn hải sản không có nguồn gốc. Và 28 tỉnh, thành anh em dứt khoát kiên quyết không mua, tỉnh nào mua phạt nơi đó thì có thể kiểm soát từ khai thác ven bờ sang khai thác khơi. Trong vấn đề khai thác nếu vượt qua giới hạn cho phép, không khai báo, vào bờ không có nguồn gốc là tịch thu, hủy. Nếu không đăng ký hành trình, không cho vào cảng. Riêng công an mở chuyên án, những người tổ chức đưa tàu ra khai thác nước ngoài, không những thuyền trưởng, máy trưởng, thủy thủ và cả đồng phạm là ông chủ tàu nếu bắt được khởi tố…”.
Đại biểu tỉnh Kiên Giang cũng ý kiến rằng, quy định về quản lý khai thác, cần phải quy định đối với tàu khai thác bắt buộc phải lắp thiết bị giám sát, bởi nếu không giám sát được sao xử lý, trong khi hiện nay mới vận động, chưa phải là tốt.
“Đối với tái cơ cấu thủy sản, cần giảm phương tiện khai thác để nâng giá trị lên. Muốn nâng giá trị lên, có công nghệ bảo quản sau thu hoạch. Cho nên cần quan tâm thêm lĩnh vực này về chính sách, công nghệ để phổ biến rộng rãi. Tổ chức lại khâu từ khai thác đến thu mua, tính toán sắp xếp lại để nâng cao giá trị trong khai thác…”, vị đại biểu tỉnh Kiên Giang ý kiến thêm.
Được biết, theo báo cáo sơ kết của Tổng cục thủy sản, nuôi trồng thủy sản trên biển và hải đảo đã có những bước phát triển đáng kể. Từ diện tích nuôi biển đạt 38.880 ha, sản lượng 156.682 tấn năm 2010, đến năm 2016 đã đạt 283,3 nghìn ha, sản lượng 324 nghìn tấn (cá biển 28,3 nghin tấn, nhuyễn thế 294,4 nghìn tấn, tôm hùm 1.500 tấn, 101 nghìn tấn rong biển), tăng 97,3 % về sản lượng cá, tôm hùm và nhuyễn thể.