Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Quyết định 2161/QĐ-TTg năm 2021, phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Một trong những mục tiêu quan trọng được đặt ra tại Chiến lược đó là phát triển thị trường bất động sản nhà ở theo hướng bền vững, minh bạch dưới sự điều tiết, giám sát của Nhà nước, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; hạn chế tình trạng đầu cơ, lãng phí tài nguyên đất trong phát triển nhà ở.
Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia được ban hành kỳ vọng sẽ tạo ra những hiệu ứng tích cực ngăn chặn nạn "đầu cơ", "thổi giá" - Ảnh minh họa
Đáng nói, với Bộ Tài chính, Chiến lược đặt ra nhiệm vụ chủ trì nghiên cứu chính sách khuyến khích phát triển đa dạng nguồn vốn dài hạn dành cho phát triển nhà ở như quỹ đầu tư bất động sản, quỹ đầu tư tín thác bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp bất động sản và các công cụ tài chính dài hạn khác. Đồng thời, nghiên cứu đề xuất bổ sung một số loại thuế liên quan đến thị trường bất động sản như thuế tài sản nhà ở nhằm ổn định thị trường, hạn chế đầu cơ, khai thác có hiệu quả bất động sản nhà ở và đảm bảo quyền lợi của Nhà nước.
Theo các chuyên gia, đây là định hướng chính sách hoàn toàn phù hợp, kịp thời, bởi nếu thuế được áp lũy tiến đối với những giao dịch chuyển nhượng bất động sản trong thời gian ngắn (dưới 6 tháng), đồng thời áp dụng mức thuế cao đối với những người sở hữu từ 2 bất động sản trở lên, nạn “đầu cơ”, “thổi giá” sẽ bị triệt tiêu, bởi trước đó, trên thế giới, biện pháp này cũng đã và đang tạo ra những dấu ấn đáng ghi nhận.
Một số chuyên gia đề xuất, thuế bất động sản thứ hai có thể đánh ở mức 25-30% giá theo quý hoặc năm, và có quy định phạt nặng theo lũy tiến khi đóng trễ. Có được như vậy, nhóm đầu cơ sẽ không thể ôm đất quá lâu vì giá vượt giá trị thực tế xung quanh khu vực đó, chưa kể, với biện pháp này, nhóm đầu cơ cũng sẽ không thể ép giá người mua vì nếu để lâu sẽ có nguy cơ bị phạt.
Ngoài ra, có thể kết hợp thêm một số biện pháp khác để quản lý như: quy định điều kiện để cá nhân làm môi giới bất động sản; quy định hợp đồng phải đặt cọc công chứng mới có giá trị pháp lý, không chấp nhận giấy viết tay; tăng nặng mức phạt cho hành vi khai giá bán thấp hơn thực tế nhằm tránh thuế thu nhập cá nhân; xử phạt các văn phòng công chứng tiếp tay cho hành vi này...
Thực tế, việc đưa công cụ thuế vào quản lý, nhằm tránh những “biến tướng” đối với thị trường bất động sản là biện pháp đã được nhiều nước trên thế giới triển khai và thu được những kết quả rất lạc quan.
Áp thuế được cho là biện pháp phù hợp, kịp thời và đã có những hiệu ứng tích cực - Ảnh minh họa
Trước nạn “đầu cơ”, “thổi giá” bất động sản “nở rộ”, GS Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng từng đề xuất, Việt Nam nên học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới, đó là đánh thuế lũy tiến đối với những giao dịch chuyển nhượng bất động sản trong thời gian ngắn (dưới 6 tháng); đồng thời áp dụng mức thuế cao đối với những người sở hữu từ 2 bất động sản trở lên.
“Giải pháp căn cơ trên thế giới vẫn làm, thứ nhất, có sắc thuế đánh vào giá trị đất đai tăng thêm, khi mà có bất kỳ đầu tư mới nào đấy thì người ta có thuế đánh vào giá trị đất đai tăng thêm mà không do chủ sử dụng đất tạo ra; Thứ 2, có sắc thuế đánh lũy tiến khá cao vào trường hợp mua bán đất đai mang tính lướt sóng, tức là mua và bán bất động sản trong một giai đoạn ngắn; Thứ 3, Nhà nước họ luôn có 1 quỹ bất động sản dự trữ, giống như quỹ dự trữ ngoại tệ của ta”, GS Đặng Hùng Võ chia sẻ.
Xoay quanh câu chuyện quản lý giá đất, thực tế, đã có rất nhiều bài học, biện pháp mạnh để hạn chế “đầu cơ” đất trên thế giới được áp dụng, thế nhưng, theo các chuyên gia, cách làm của Trung Quốc rất đáng tham khảo, vì họ có điều kiện cũng như tâm lý khá tương đồng Việt Nam.
Như bài học giữa năm 2017, khi công bố quy hoạch đặc khu kinh tế Hùng An, ngoại ô TP. Bắc Kinh, quy mô gần 2.000km2 (diện tích lớn gần gấp 3 lần TP. New York của Mỹ), giới đầu cơ khắp nơi đã ùn ùn đổ về, giá các căn hộ xung quanh tăng gấp đôi chỉ trong... 1 ngày.
Trước thực trạng đã nêu, TP. Bắc Kinh đã ra chỉ thị cấm mua bán đất ở khu quy hoạch và xử lý nghiêm những trường hợp lách luật, tức khắc cơn “sốt đất” xẹp xuống chỉ sau một thời gian ngắn. Và các quyết định cứng rắn như vậy tiếp tục được các ngành chức năng của đất nước tỷ dân này áp dụng nghiêm ngặt với những dự án quy hoạch sân bay, khu công nghiệp, đô thị...
Hay như, trước thực trạng giá nhà đất liên tục tăng, TP. Thượng Hải (Trung Quốc) cũng đã ban hành chính sách giới hạn số lượng mua, tăng thuế,... Trong chính sách quy định, mỗi gia đình chỉ được phép mua 2 căn hộ và để đề phòng trường hợp ly hôn giả để mua thêm căn hộ, chính quyền thành phố này cũng quy định: sau 3 năm ly hôn mới được mua thêm căn hộ, nhưng phải có đơn và được duyệt. Tùy địa phương, thuế sẽ đánh mạnh khi vượt diện tích bình quân mỗi người 40 - 60m2/căn hộ...
Với chủ trương “Nhà để ở, chứ không phải để đầu cơ”, cùng với những chính sách mạnh mẽ từ công cụ thuế, giá nhà đất vài năm gần đây ở Trung Quốc đã chững lại.
Truyền thông của đất nước này mới đây cũng cho hay, dù kinh tế phát triển mạnh trở lại, tuy nhiên, giá nhà đất tại các “điểm nóng” như: Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến,… cũng chỉ tăng vài phần trăm, không mạnh như trước.
Có lẽ đã đến lúc Việt Nam nên tính toán đến các biện pháp mạnh và đồng bộ, đưa công cụ thuế vào quản lý, để tránh tình trạng “đầu cơ”, “thổi giá” bất động sản đã và đang tồn tại.