Nếu không ngăn chặn quyết liệt, dịch tả lợn châu Phi (ASF) có nguy cơ sẽ lan khắp 3 vùng: Đồng bằng sông Hồng; miền núi phía Bắc; khu vực Nam Bộ, sẽ gây thiệt hại vô cùng lớn cho ngành chăn nuôi và phải mất thời gian rất dài mới khôi phục được, bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ông Nguyễn Xuân Cường cho biết.
Bộ trưởng nhận định thế nào về nguy cơ và diễn tiến dịch bệnh này trong thời gian tới?
Nguy cơ dịch ASF sẽ lan truyền ra 3 khu vực. Thứ nhất là các tỉnh Đồng bằng sông Hồng, hiện đang là vùng trọng điểm, nhiều địa phương có dịch ASFt. Nếu không tổ chức phòng chống dịch tốt, bệnh sẽ lây lan truyền sang khắp các huyện, các xã chưa bị và nguy cơ thành "khu vực đỏ".
Khu vực thứ hai, xu hướng hiện nay bệnh đang phát triển nhanh lên các tỉnh miền núi phía Bắc: Sơn La, Điện Biên, Bắc Kạn đã xuất hiện ASF. Nếu như vùng này không ngăn chặn dược, nguy cơ vi rút tồn dư ở một địa bàn vùng núi rộng lớn rất khó kiểm soát, thì sau này bệnh sẽ âm ỉ rất lâu dài.
Do đó, chúng ta phải tập trung ngay những biện pháp ở những vùng trọng điểm mẫn cảm. Khu thứ ba là miền Nam, hiện chưa bị vi rút AFS xâm nhập, nhưng nếu không giữ được sẽ vô cùng nguy hiểm.
Phía Nam có những tỉnh trọng điểm như Đồng Nai có gần 3 triệu con lợn. Đặc biệt các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sông nước, giao thương lớn, dịch bệnh càng dễ lan truyền. Nếu để cả ba vùng đều thành vùng trọng điểm sẽ đe dọa vô cùng lớn đến ngành chăn nuôi và sẽ phải mất thời gian rất dài mới khôi phục được.
Vậy giải pháp dập dịch, ngăn chặn dịch lây lan như thế nào, thưa ông?
Xem xét các ổ dịch ASF đã xuất hiện, thấy 100% xảy ra ở hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Bởi vậy, đối tượng chúng ta tập trung vào phòng ngừa ngay từ hộ là chính. Đối với những hộ chưa có dịch, cần tập trung thực hiện an toàn sinh học trong chăn nuôi, xử lý môi trường, cứ hộ chăn nuôi lợn là rắc vôi bột triệt để. Cách làm này vừa không tốn tiền, vừa hiệu quả. Nếu xử lý vôi bột mỗi năm 2-3 lần thì chuồng trại chăn nuôi rất an toàn. Thức ăn nên xử lý nhiệt, nấu chín trước khi cho ăn để bảo vệ đàn lợn. Phải xử lý an toàn sinh học ngay cả người chăn nuôi.
Khi gia đình nào có lợn bị ốm, phải báo ngay cho cơ quan thú y để phân tích, giám định và trả lời nhanh kết quả. Trên cơ sở kết quả, có biện pháp can thiệp ngay. Phải tiêu hủy toàn bộ lợn bệnh theo hướng dẫn của chính quyền cơ sở và cán bộ thú y.
Đồng thời xử lý an toàn sinh học. Những hộ chăn nuôi ở khu vực đang có dịch, yêu cầu không tái đàn lúc này. Đối với nhóm trang trại chăn nuôi lớn, cán bộ thú y và chính quyền địa phương sử dụng điện thoại để thông báo, tuyên truyền chủ trương phòng chống bệnh.
Chính quyền cơ sở phải thực hiện tốt phương châm xử lý tại chỗ, đảm bảo không đưa mầm bệnh từ xã này sang xã khác. Phải kiểm soát hoạt động vận chuyển gia súc qua các chốt chặn trên các trục đường chính, không để lây truyền từ vùng đang có dịch sang vùng khác. Đặc biệt, ở các chốt chặn trên quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh thuộc địa phận các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh để không cho dịch bệnh tiến vào phía Nam.
Nhiều địa phương vẫn băn khoăn về cơ chế hỗ trợ nông dân có lợn bị bệnh ASF. Bộ trưởng giải đáp thế nào về vấn đề này?
Thủ tướng đã có chỉ đạo, trong khi chờ trình chỉnh sửa Nghị định 02/CP về Cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, thì việc hỗ trợ người dân có lợn bị bệnh ASF sẽ được áp dụng với mức tối thiểu 80% giá thị trường với lợn thịt, lợn con; với lợn nái, lợn đực giống hỗ trợ gấp 1,5-2 lần. Các địa phương phải thực hiện ngay chính sách, dịch xảy ra ra ở đâu, hỗ trợ người dân ngay lập tức để ngăn việc bán tháo, bán chạy.
Tôi kêu gọi người dân không quay lưng với thịt lợn, mà sử dụng bình thường. Bởi tất cả các ổ dịch bùng phát, đã tiêu hủy, khoanh vùng và khống chế ngay, kể cả những đàn lợn xung quanh các ổ dịch cũng đã được xử lý, đảm bảo trên thị trường không có thịt lợn bị bệnh ASF bày bán.
Cùng với giải pháp khẩn cấp, theo ông, cần có những giải pháp căn cơ, lâu dài như thế nào?
Phân tích dịch tễ học bệnh ASF cho thấy, con đường lây truyền dịch bệnh này rất phức tạp, trong khi chúng ta vẫn chưa tìm ra cơ chế và đường lây truyền dịch bệnh. Tôi đã chỉ đạo Cục Thú y và các cơ quan chuyên môn phải nghiên cứu chuyên sâu các véc-tơ gây bệnh của dịch bệnh này tại nước ta, để có giải pháp phòng chống dịch một cách căn cơ, không chờ kinh nghiệm và học theo các giải pháp từ nước ngoài.
Về giải pháp lâu dài, tôi đã giao Cục Thú y, Cục Chăn nuôi, xây dựng kế hoạch để chuẩn bị 3 bộ: Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Y Tế, Khoa học và Công nghệ, cùng với Tổ chức Thú y Thế giới (OIE), Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO)... và các tập đoàn chăn nuôi lớn, các chuyên gia khoa học bàn giải pháp chăn nuôi bền vững, xây dựng đề án sản xuất vaccine với dịch tả lợn châu Phi.