Tiêu hủy 3,3 triệu con lợn do bệnh
Ngày 11/7, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức "Hội nghị bàn về các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP)”.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, đến nay, bệnh DTLCP đã xảy ra tại 5.422 xã, 513 huyện của 62 tỉnh, thành phố; tổng số lợn bị bệnh buộc phải tiêu hủy là 3,3 triệu con. Điểm đáng lo ngại là 106 xã thuộc 22 tỉnh, thành phố có dịch bệnh đã qua 30 ngày nhưng sau đó lại phát sinh lợn bệnh. Hiện cả nước chỉ còn duy nhất tỉnh Ninh Thuận chưa có bệnh DTLCP.
DTLCP lây lan nhanh, rộng là do đặc thù của vi rút DTLCP rất nguy hiểm, hiện chưa có thuốc điều trị, chưa có vắc xin phòng bệnh; vi rút có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường và có sức đề kháng rất cao, đường lây truyền rất đa dạng, khó kiểm soát. Hiện cả nước có khoảng 2,5 triệu hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ, mật độ chăn nuôi rất cao; cộng thêm thời tiết diễn biến rất phức tạp, trái quy luật từ đầu năm đến nay tạo điều kiện rất thuận lợi cho vi rút DTLCP lây lan, gây bệnh. Trong khi đó, việc vận chuyển lợn, các sản phẩm lợn, thực hiện các biện pháp an toàn sinh học có lúc có nơi chưa làm tốt.
Hội nghị đã lắng nghe một số điển hình các trang trại đã có những kết quả khả quan trong phòng chống DTLCP thời gian qua.
Công ty Cổ phần Tập Đoàn Quế Lâm (Tập Đoàn Quế Lâm) đã đảm bảo được trang trại của mình trong vùng có dịch với “Quy trình chăn nuôi lợn hữu cơ ứng dụng công nghệ vi sinh”. Theo đó, lợn nuôi theo Quy trình hữu cơ Quế Lâm từ 2013 đến nay không sử dụng kháng sinh, hóa chất..., nhưng không mắc các bệnh truyền nhiễm nhất là bệnh đường ruột, năm 2019 không nhiễm DTLCP. Tại Huế hiện đang có 15 mô hình, quy mô 30-80 con/lứa nuôi/ hộ/gia trại. Hầu hết các mô hình chăn nuôi của Tập đoàn áp sát, nằm ngay trong vùng dịch (bùng phát dịch và tái bùng phát dịch) nhưng các hộ/gia trại chăn nuôi theo quy trình công nghệ của Quế Lâm lợn hoàn toàn khỏe mạnh, không bị bệnh. Các hộ đã hoàn thành hai lứa nuôi từ tháng 12/2018 và đang triển khai nuôi lứa 3.
Theo nhìn nhận của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, thiệt hại của DTLCP đến nay là rất lớn vì chủ yếu nằm ở hộ nhỏ lẻ, liên quan sinh kế của người dân. Thiệt hại còn là kinh phí phải xử lý trong khi diễn biến dịch chưa dừng lại. “Thực tiễn chống dịch vừa qua rất sáng tạo cả chỉ đạo và ứng dụng. Có nhiều công ty quy mô lớn, áp dụng biện pháp tổng thể sinh học vẫn giữ nguyên đàn không bị bệnh. Hộ nhỏ lẻ thực tế chứng minh có nhiều mô hình sáng tạo hạn chế thấp nhất thiệt hại. Về lâu dài, ngay từ đầu chúng ta đã đi hướng tích cực là nghiên cứu vắc xin, các chế phẩm khác để hình thành một trong những nhân tố của giải pháp an toàn sinh học ban đầu”, Bộ trưởng đúc rút công tác chống dịch thời gian qua.
Không dùng kháng sinh trong an toàn sinh học
Không dùng kháng sinh trong an toàn sinh học
Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương cho biết hiện nay với tâm lý “có bệnh vái tứ phương” của người chăn nuôi đã tạo nên một mảnh đất “màu mỡ” cho các loại thuốc thú y như kháng sinh hoặc nhiều chế phẩm chăn nuôi tăng đề kháng khác. “Người dân cần tỉnh táo lựa chọn các loại chế phẩm này vì thực tế nếu dùng men vi sinh thì dùng kháng sinh là hoàn toàn phản tác dụng”, ông Dương nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng khẳng định, đến nay “vũ khí duy nhất” là an toàn sinh học. “Không phải chỉ cho DTLCP mà đây thành nguyên tắc với mọi loại bệnh, phòng là chính. Chúng tôi cũng đang xem lại một số mô hình ứng dụng an toàn sinh học chung, ứng dụng một số chế phẩm” Bộ trưởng Cường cho biết.
Nhằm ngăn chặn dịch bệnh tiếp tục lây lan, Bộ NN&PTNT đã yêu cầu các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi lớn tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp an toàn sinh học để bảo vệ đàn lợn giống cụ kỵ, ông bà, sẵn sàng phục vụ cho việc khôi phục và phát triển sản xuất của các địa phương khi có điều kiện; tập trung chỉ đạo, tổ chức xây dựng được 821 vùng, cơ sở chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh. Đồng thời, triển khai quyết liệt các giải pháp phát triển chăn nuôi gia cầm; các loài gia súc khác (trâu, bò, dê, cừu, thỏ...) để bù đắp cho chăn nuôi lợn.