Cụ thể, khảo sát tại các doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn chiều nay 8/7 cho thấy, giá vàng SJC tại Công ty VBĐQ Sài Gòn là 38,8 – 39,05 triệu đồng/lượng, tăng 250 nghìn đồng so với đầu giờ sáng. Giá vàng SJC tại Công ty VBĐQ Bảo Tín Minh Châu là 38,78 – 39,13 triệu đồng/lượng, tăng 300 nghìn đồng. Giá vàng cùng loại tại hệ thống của VBĐQ Phú Nhuận là 38,6 – 39,05 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC của Tập đoàn DOJI tăng gần 400 nghìn đồng lên 38,8 – 39,2 triệu đồng/lượng.
Vàng phi SJC cũng được điều chỉnh tăng theo. Hiện vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu là 38,76 – 39,21 triệu đồng/lượng, vàng PNJ của VBĐQ Phú Nhuận giao dịch ở mức 38,55 – 39,35 triệu đồng/lượng.
Giá vàng nguyên liệu 4 số 9 của các doanh nghiệp cũng được đẩy tăng, mua vào phổ biến ở mức 38,8 triệu đồng và bán ra từ 39,1 – 39,2 triệu đồng/lượng – tương đương như vàng SJC.
Giá vàng trong nước như vậy đã có đà bứt phá khá mạnh trong ngày hôm nay, sau khi tuột khỏi mốc 39 triệu đồng/lượng hôm thứ Sáu và hai ngày cuối tuần qua. Mức biến động vài trăm nghìn đồng/lượng cũng đã không còn hiếm gặp kể từ khi giá vàng vượt 38 rồi qua 39 và có lúc lên gần 40 triệu đồng/lượng lần đầu tiên trong hơn 3 năm vào cuối tháng 6 vừa qua.
Trên thị trường thế giới, giá vàng phiên cuối tuần trước giảm hơn 1% do hoạt động bán chốt lời của nhà đầu tư cùng với việc nghi ngờ khả năng cắt giảm lãi suất ngay trong tháng 7 của Fed. Tuy nhiên sang hôm nay, đà tăng đã phục hồi nhanh, hiện cả vàng giao ngay và vàng kỳ hạn đã vượt qua 1.405 USD, có lúc giá lên 1.408 USD trong khi cuối tuần trước là 1.398 USD, bởi nhu cầu mua vào phòng ngừa rủi ro trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Iran leo thang.
Triển vọng về giá vàng ngắn hạn, các nhà phân tích cho rằng xu hướng tăng sẽ chiếm áp đảo bởi kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, trong khi căng thẳng địa chính trị ở nhiều nơi kết hợp với cuộc chiến tranh thương mại Mỹ Trung chưa kết thúc sẽ khiến nhà đầu tư tăng mua vàng để phòng ngừa rủi ro.