Xuất hiện lần đầu vào năm 1909, thương mại hóa vào năm 1920, sau hơn 1 thế kỷ, nhựa từ chỗ là vật liệu mới đã trở thành vật liệu phổ biến nhất trong xã hội loài người. Nhưng từ thích thú, phụ thuộc, con người giờ đây bắt đầu phải chịu đựng và tìm cách giảm thiểu tác động từ rác thải nhựa, trong một cuộc chiến mà ý thức là chưa đủ để thay đổi thói quen và hành vi tiêu dùng.
Ngay ở những quốc gia phát triển, phần lớn người dân chỉ thoải mái sử dụng các sản phẩm thay thế hoặc loại bỏ nhựa trên bao bì nếu giá cả của sản phẩm đó tương đồng với sản phẩm truyền thống. Bằng không, chỉ có chưa đầy 10% người tiêu dùng chấp nhận chi nhiều tiền hơn cho một hành động góp phần cứu hành tinh khỏi rác thải nhựa. Đó là bài toán mà các nhà sản xuất, bán lẻ trên thế giới phải tìm lời giải.
Ở châu Âu ngày nay, người ta bắt gặp nhiều hơn những siêu thị mang phong cách trần trụi (naked store). Đó là những điểm bán hàng mà tất cả các sản phẩm đều không được bọc trong bao bì nhựa - một nỗ lực của các thương hiệu nhằm tạo nên ngành kinh doanh mới thân thiện với môi trường.
Lush Cosmetics vừa mở thêm một siêu thị như vậy ở thành phố Manchester, sau khi đã có những thành công ở Milan và Berlin vào năm ngoái. Mặt hàng chiếm số lượng áp đảo tại siêu thị này là các loại xà phòng, nước gội đầu dạng rắn, có hình tròn, hình trụ hoặc thanh, được xếp chồng lên nhau mà không hề có bao bì.
Charlotte Nisbet, chủ thương hiệu Lush Comestics, cho biết siêu thị duy trì mức giá chuẩn cho các sản phẩm xà phòng, khoảng 7,5 EUR. Ở châu Âu, đó là mức giá phải chăng, và không khác biệt nhiều với các sản phẩm cùng chất lượng, hiệu quả sử dụng, nhưng được đóng gói theo cách thức phi truyền thống.
Khách hàng đến với Lush Comestics cảm thấy rất thích thú. Họ xem chương trình Blue Planet của BBC, trở thành fan hâm mộ của những nhóm "hành động vì môi trường". Những người hâm mộ thừa nhận dù sự tồn tại của Lush Comestics khó có thể khiến họ quay lưng với các thương hiệu tiêu dùng quen thuộc, nhưng cũng cho họ những lựa chọn dễ chịu hơn.
Alessandro Commisso là nhà phát minh đã tạo ra những sản phẩm độc đáo này cho Lush Comestics. Ông là người đầu tiên tạo ra khái niệm mỹ phẩm không chứa nhựa trên thế giới, và có thời trở thành kẻ cô đơn trong lựa chọn đó.
Dành ra 20 năm để theo đuổi một cách làm khác biệt, Lush Comestics giờ đây hưởng lợi nhờ công nghệ và những xu hướng tiêu dùng mới. Trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ mạnh mẽ cho những nỗ lực của công ty này khi chỉ cần quét sản phẩm này trên app Lush Lens, khách hàng có thể được cung cấp tất cả các thông tin về mặt hàng thông qua điện thoại di động. Lush còn cài cắm vào app này những tài liệu và phim ảnh chuyên sâu vào chủ đề rác thải và nhựa đại dương.
Nhưng chi phí cho mỗi cửa hàng như vậy là rất lớn, đến mức Lush buộc phải cắt giảm tất cả các chi phí quảng cáo và sử dụng nhân viên như những kênh truyền thông cho sản phẩm của mình. Hãng cũng gặp nhiều khó khăn để biến những khách hàng đến chỉ vì thích thú trở thành khách hành trung thành của thương hiệu. Tuy nhiên, kết quả mang lại khiến họ tự hào: chỉ riêng năm 2017, khách hàng của Lush đã tránh được việc tiêu thụ khoảng 800.000 vỏ chai nhựa.
Quản lý cửa hàng Berlin của Lush Comestics cho rằng mô hình của hãng là tương lai của ngành mỹ phẩm.
"Nó đã giải quyết một cách tận gốc những vấn đề bức bối nhất của xã hội loài người về rác thải, trong khi vẫn đảm bảo tính tiện lợi và minh bạch thông tin cho khách hàng. Giờ đây, Lush có thể chỉ là sản phẩm thay thế, nhưng một ngày nào đó, Lush sẽ trở thành một trong những thương hiệu đứng trong nhóm truyền thống – khi ngành sản xuất hàng tiêu dùng thế giới hành động một cách có trách nhiệm hơn với hành tinh"./.