70% bệnh truyền nhiễm từ động vật lây sang người hiện nay đều có nguồn gốc từ động vật hoang dã. Đó là cảnh báo từ Tổ chức Y tế thế giới trước "đai dịch" virus corona chủng mới-COVID-19.
Từ ý thức người dân
Mới đây trong lúc khai thác rừng keo cạnh Vườn Quốc gia Bạch Mã, chị Trương Thị Thu Thỏa ở thôn Khe Su, xã Lộc Trì (Phú Lộc) phát hiện cá thể cu li bị lạc đàn. Dù chưa rõ động vật này quý hiếm hay không, nhưng chị Thỏa biết là động vật hoang dã nên đã bàn giao cho Vườn Quốc gia Bạch Mã chăm sóc, cứu hộ để thả về môi trường tự nhiên.
Cá thể tê tê được người dân phát hiện, giao cho Vườn Quốc gia Bạch Mã năm 2019.
Thông qua đọc sách báo, xem ti vi và các đợt tuyên truyền của cơ quan chức năng, chị Thỏa luôn ý thức rằng, bảo vệ động vật hoang dã, môi trường sinh thái cũng chính là bảo vệ sự sống của con người. Chị Thảo luôn giáo dục con cái, người thân có ý thức bảo vệ động vật hoang dã. Trước đây, chị Thỏa cũng đã từng cứu một cá thể khỉ mặt đỏ bị dính bẫy, sau đó bàn giao cho cơ quan chức năng thả về môi trường tự nhiên.
Lãnh đạo Vườn Quốc gia Bạch Mã đánh giá, thời gian gần đây, người dân đã ý thức khá cao, tham gia bảo vệ động vật hoang dã. Số vụ săn bắt động vật hoang dã tại Vườn Quốc gia Bạch Mã giảm đáng kể qua các năm, riêng năm 2019 giảm 10 vụ so với năm trước. Chừng ba năm trở lại đây, Vườn Quốc gia Bạch Mã đã tiếp nhận hàng chục cá thể động vật hoang dã từ người dân, sau đó cứu hộ, chăm sóc, thả về môi trường tự nhiên.
Tính riêng năm 2019, lực lượng kiểm lâm trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận và cứu hộ 27 cá thể động vật hoang dã, thả về môi trường tự nhiên. Trong đó, đáng chú ý có đến 8 cá thể động vật rừng nguy cấp, quý hiếm. Ngành kiểm lâm cũng đã hỗ trợ quản lý 47 trại nuôi động vật hoang dã thông thường với 1.366 cá thể.
Theo đánh giá của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, số vụ săn bắt động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh ngày càng giảm, tuy nhiên vẫn còn diễn biến khá phức tạp.
Tại một số hàng quán trên địa bàn hai huyện miền núi Nam Đông, A Lưới, một số xã vùng gò đồi vẫn lét lút kinh doanh, chế biến các món ăn từ sản phẩm động vật hoang dã. Một bộ phận người tiêu dùng vẫn cho rằng, ăn thịt động vật hoang dã rất bổ cho sức khỏe. Một số người còn muốn thể hiện “đẳng cấp dân chơi” khi ăn thịt một số động vật hoang dã có giá trị, đắt tiền. |
Năm vừa qua, lực lượng kiểm lâm đã bắt giữ, xử lý 17 vụ vi phạm về săn bắt, buôn bán động vật hoang dã với số lượng 35 cá thể, trọng lượng gần 71kg. Trong đó có 15 cá thể động vật rừng nguy cấp, quý hiếm với trọng lượng 32,5kg.
Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo có đến 70% bệnh truyền nhiễm từ động vật lây sang người hiện nay đều có nguồn gốc từ động vật hoang dã. Tổ chức này cũng đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu đối với chủng mới của dịch COVID-19, trong đó động vật hoang dã cũng là một nguồn lây nhiễm dịch bệnh này. Tuy nhiên, một bộ phận người dân hiện nay vì lợi ích trước mắt đã bất chấp cảnh báo, quy định, lén lút săn bắt phục vụ nhu cầu tiêu thụ tại địa phương và các quán nhậu trên địa bàn tỉnh.
Trước tình hình dịch virus corona chủng mới-COVID-19 đang diễn biến phức tạo, khó lường, các cơ quan chức năng đang tập trung tuyên truyền, giáo dục và tăng cường triển khai các biện pháp ngăn chặn nạn săn bắt động vật hoang dã. Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn Thiên nhiên Phong Điền, ông Trần Xuân Hai thông tin, từ khi xảy ra dịch bệnh COVID-19 đến nay, theo chỉ đạo của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, lực lượng kiểm lâm của đơn vị đã tăng cường chốt chặn tại các cửa rừng, tuần tra tại các “điểm nóng” nhằm ngăn chặn kịp thời các dấu hiệu, vụ săn bắt động vật hoang dã.
Lực lượng kiểm lâm phối hợp với quản lý thị trường, công an tiến hành kiểm tra đột xuất tại các nhà hàng, quán nhậu trên địa bàn nhằm xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm trong kinh doanh động vật hoang dã. Quá trình tuần tra, kiểm soát, các lực lượng kết hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức, vận động người dân không săn bắt, tiêu thụ sản phẩm động vật hoang dã.
Riêng đối với các lô hàng động vật hoang dã có nguồn gốc từ nước ngoài, hoặc tỉnh khác đi qua địa bàn tỉnh được cơ quan chức năng kiểm tra chặt chẽ giấy chứng nhận kiểm dịch, an toàn thực phẩm, đảm bảo các điều kiện quy định mới được lưu thông.
Cầy vằn-loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm.
Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Nam Đông, ông Hoàng Văn Chúc nhận định, nạn săn bắt động vật hoang dã trên địa bàn huyện đang diễn biến khá phức tạp. Một số loài thường bị đe dọa như sơn dương, chồn, cầy, khỉ, mang... do số lượng cá thể tương đối lớn và nhu cầu tiêu thụ khá mạnh. Trong khi cảnh báo nguy cơ lây nhiễm bệnh từ động vật hoang dã sang người là điều đáng lo ngại, trong điều kiện dịch virus corona chủng mới-COVID-19 đang diễn biến phức tạp.
Hơn một tháng nay, ngành kiểm lâm huyện Nam Đông phối hợp với các địa phương tăng cường tuần tra, giám sát tại các khu rừng có sự hiện diện nhiều loài động vật hoang dã, cũng là “điểm nóng” diễn ra nạn săn bắt. Cán bộ kiểm lâm cũng đã “kết nối” với nhiều người dân địa phương đáng tin cậy để “phục kích”, thông báo kịp thời đến cơ quan chức năng khi phát hiện dấu hiệu, tình trạng săn bắt, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm động vật hoang dã.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế, tính từ khi xảy ra dịch bệnh COVID-19 đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận, phát hiện các vụ vi phạm săn bắt, vận chuyển, tiêu thụ động vật hoang dã trái phép. Tuy nhiên, các lực lượng vẫn không chủ quan, luôn đề cao cảnh giác, thường xuyên và chủ động triển khai các biện pháp ngăn ngừa nhằm bảo vệ các loài động vật hoang dã cũng như sự an toàn cho người dân trước đại dịch virus corona chủng mới-COVID-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường. |