Thúc đẩy đầu tư vào Campuchia
Theo Khmer Times, các công ty Trung Quốc đang tăng cường các khoản đầu tư vào Campuchia và đẩy mạnh hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo đó, các sản phẩm nông nghiệp của Campuchia được kỳ vọng sẽ được xuất hiện trên thị trường quốc tế nhiều hơn, đặc biệt là thị trường Trung Quốc.
Ngày 17/1 vừa qua, tiếp phái đoàn từ nhiều công ty đến thảo luận về hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp giữa Campuchia và Trung Quốc, Bộ trưởng Nông Lâm Ngư nghiệp Campuchia Veng Sakhon nói:
"Campuchia là bạn của Trung Quốc và trong những năm gần đây hai bên đã nhất trí thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện", ông Sakhon nói.
Được biết, hợp tác nông nghiệp Campuchia-Trung Quốc được bắt đầu từ Diễn đàn Hợp tác quốc tế về Vành đai và Con đường lần thứ nhất. Sự hợp tác này dẫn đến kết quả là một số công ty Trung Quốc đã bắt đầu đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tại Campuchia.
Nông sản Campuchia tấn công mạnh mẽ thị trường Trung Quốc.
Năm 2020, Campuchia nhập khẩu nhiều hơn 8 lần so với lượng xuất khẩu sang Trung Quốc. Tuy nhiên, lượng thâm hụt thương mại này có thể dần dần được giảm bớt khi Campuchia ngày càng tăng cường xuất khẩu hàng hóa nông nghiệp sang Trung Quốc.
Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ thực phẩm lớn và có nhu cầu cao đối với các sản phẩm ngoại, đặc biệt nhóm hàng tươi, chất lượng cao mà Campuchia cung cấp.
Với việc Hiệp định FTA Trung Quốc-Campuchia có hiệu lực vào ngày 1/1, nhiều mặt hàng chủ chốt dự kiến sẽ sớm được phê duyệt để xuất khẩu sang Trung Quốc.
Trong 10 năm qua, Campuchia đã và đang thúc đẩy sản xuất nông nghiệp quy mô lớn hơn hướng tới xuất khẩu, đồng thời thừa nhận các rào cản kỹ thuật của việc thiếu các cơ sở chế biến để trở thành nước xuất khẩu nghiêm túc.
Điều này đã thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư tư nhân Trung Quốc, những người cũng được khuyến khích bởi ưu đãi hấp dẫn của Chuyển nhượng đất kinh tế (ELC), nơi các nhà đầu tư có thể quản lí vùng đất lên tới 10.000 ha cho các đồn điền nông nghiệp và cơ sở chế biến.
Campuchia đặt mục tiêu nghiêm túc trở thành quốc gia xuất khẩu nông sản.
Kể từ đó, các khoản đầu tư của Trung Quốc vào lĩnh vực này đã hỗ trợ cho các dự án thủy lợi quy mô lớn, các nhà máy xay xát gạo, đào tạo giáo dục ở các trung tâm khác nhau; giới thiệu phương pháp chế biến và công cụ cần thiết khác cho sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, mở các trung tâm nông-công nghiệp kết hợp, bao gồm các khu chợ trái cây, nhà máy chế biến, nhà kho lạnh, nhà triển lãm nông nghiệp, khử trùng và phòng trừ sâu bệnh cho các loại trái cây như xoài.
Để giúp thúc đẩy xuất khẩu nông sản của Campuchia, chính phủ Trung Quốc cũng đã tài trợ một phòng thí nghiệm để tiêm phòng bệnh.
Các mặt hàng chủ chốt sắp được Trung Quốc phê duyệt
Mới đây, quan chức hai nước Campuchia - Trung Quốc cũng bắt đầu các cuộc đàm phán về yêu cầu và thủ tục với sản phẩm cá da trơn Campuchia - hay còn được nước này gọi là cá 'Pra'. Campuchia hi vọng dòng cá này sẽ được xuất khẩu trực tiếp sang Trung Quốc.
Các nhóm công tác kỹ thuật của Cục Quản lý Thủy sản và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã bắt đầu cuộc thảo luận trực tuyến đầu tiên để đánh giá việc kiểm dịch thực vật đối với cá nuôi và các doanh nghiệp chế biến cá trước khi phía Trung Quốc quyết định cho phép nhập khẩu cá của Campuchia vào Trung Quốc.
Cuộc thảo luận dự kiến sẽ kéo dài đến ngày 28/1 tới.
Hiệp hội Nuôi trồng Thủy sản Campuchia cho biết họ sẽ khuyến khích nông dân tăng cường kỹ thuật nuôi cá tiêu chuẩn để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Ông Sok Raden, Chủ tịch hiệp hội cho biết, lượng cá nuôi ở Campuchia đủ đáp ứng nhu cầu của phía Trung Quốc do việc nuôi là theo tiêu chuẩn và chất lượng.
"Hiệp hội đã kêu gọi nông dân chú ý đến kỹ thuật nuôi cá, vệ sinh kiểm dịch thực vật và tiêu chuẩn chất lượng để cá nuôi của họ có thể xuất khẩu sang Trung Quốc", Raden nói.
Do giá cá nuôi giảm nên nông dân đã giảm lượng nuôi, nhưng hiệp hội sẽ thúc đẩy nông dân tăng lượng cá để cung cấp xuất khẩu sang Trung Quốc - ông nói.
Ing Try, Phó Giám đốc Cục Thủy sản, đặt nhiều hy vọng rằng việc xuất khẩu cá da trơn sang Trung Quốc sẽ hoàn thành theo kế hoạch vào năm 2022.
"Campuchia hy vọng xuất khẩu cá da trơn sang Trung Quốc theo kế hoạch vào năm 2022 nhưng vẫn chưa ấn định ngày xuất khẩu do một số thủ tục đã được thiết lập và nhiều điểm sẽ được thảo luận trong cuộc họp tháng 1", ông Try nói.
Campuchia đã xuất khẩu các sản phẩm thủy sản trị giá 4,09 triệu USD vào năm ngoái, theo Bộ Nông nghiệp nước này.
Vào tháng 12/2021, Đại sứ Trung Quốc tại Campuchia Wang Wentian thông báo rằng phía Trung Quốc đã quyết định nghiên cứu và đánh giá rủi ro kiểm dịch thực vật đối với quả nhãn và cá da trơn của Campuchia.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen cho biết việc đẩy nhanh xuất khẩu nhãn và cá da trơn là một thành tựu chính đã được thống nhất trong cuộc họp giữa ông và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường.
Ông Hun Sen nói rằng ông hy vọng sẽ thấy sự hiện diện của món cá Campuchia trên bàn ăn của Trung Quốc và cho rằng việc xuất khẩu cá da trơn sang Trung Quốc sẽ mang lại nhiều cơ hội hơn cho người nuôi cá Campuchia.