Hàng loạt cổ đông lớn thoái vốn tại nhiều doanh nghiệp trong bối cảnh giá cổ phiếu lên đỉnh lịch sử. Hàng trăm tỷ đồng được thu về ở ngay thời điểm khó khăn.
Theo HOSE, CTCP Kinh doanh Địa ốc Him Lam bán ra hơn 3,35 triệu cổ phiếu DIG của Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp.) trong khoảng thời gian 19-20/8/2021 và giảm sở hữu từ mức 18,81% xuống còn 17,99% vốn (tương đương gần 74 triệu cổ phần).
Trước đó, trong 2 ngày 16-17/8, Him Lam cũng đã thực hiện bán gần 10 triệu cổ phiếu DIG, giảm sở hữu từ mức 21,25% xuống còn 18,81% (tương đương hơn 77 triệu cổ phần).
Chỉ sau hơn 8 tháng kể từ khi chính thức trở thành cổ đông lớn sau khi mua thoả thuận 68 triệu cổ phần DIG từ Dragon Capital, Kinh doanh Địa ốc Him Lam đã bắt đầu bán ra cổ phiếu này.
Him Lam bán DIG trong bối cảnh cổ phiếu này tăng vọt trong hơn một tháng qua, từ mức giá 22.000 đồng/cp lên gần 35.000 đồng/cp và đây cũng là mức giá đỉnh lịch sử của cổ phiếu này. Với 2 giao dịch vừa qua, Him Lam thu về gần 470 tỷ đồng, và lãi khoảng hơn 170 tỷ đồng.
Him Lam mua vào lượng lớn cổ phiếu DIG sau thất bại liên quan đến kế hoạch hợp tác với DIG phát triển dự án 90,5ha thuộc Khu đô thị mới Bắc Vũng Tàu hồi 2020.
Trước đó, hồi cuối 2017, Bộ Xây dựng đã bán nửa công ty DIC Corp. (lô 118 triệu cổ phiếu DIG) trong vòng 2 phút ở mức giá trên 192.250 đồng/cp và thu về 2,2 nghìn tỷ đồng.
Tin chứng khoán ngày 26/8: Chốt lời trên đỉnh, đại gia thu về trăm tỷ |
DIC Corp. là công ty được thành lập năm 1990 thuộc Bộ Xây dựng, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng, xây lắp, sản xuất vật liệu xây dựng và phát triển bất động sản, cổ phần hoá năm 2008 và niêm yết chính thức trên HOSE từ năm 2009. DIG hấp dẫn nhà đầu tư bởi quỹ đất lớn mà doanh nghiệp này đang sở hữu trải dọc cả nước như Phú Quốc, Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Phúc, Đà Lạt và Đồng Nai… với tổng diện tích hơn 3.000ha.
Một cổ đông lớn khác là Đầu tư và Phát triển Thiên Tân cũng bán ra hơn 13,6 triệu cổ phiếu DIG từ 10-12/8 vừa qua và thu về hơn 420 tỷ đồng.
Gần đây, hàng loạt cổ đông lớn và lãnh đạo thoái vốn và doanh nghiệp bán cổ phiếu quỹ khi giá cổ phiếu lên đỉnh.
Tập đoàn Vingroup (VIC) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đăng ký bán ra hơn 100 triệu cổ phiếu của CTCP Vinhomes (VHM) trong khoảng thời gian từ 19/8 đến 17/9. Quỹ ngoại Viking Asia Holdings II Pte.Ltd (thuộc KKR) đăng ký bán 31,94 triệu cổ phiếu VHM của Vinhomes trong khoảng thời gian từ 19/8 đến 17/9. Đây là một phần trong số 6% cổ phần Vinhomes mà nhóm đầu tư KKR đã mua thỏa thuận hồi tháng 6/2020 với giá 75.000 đồng. Với mức giá 110-120.000 đồng nhóm này thu lời một khoản đáng kể.
DIC Corp sở hữu quỹ đất lớn tại Bà Rịa Vũng Tàu. |
Cổ đông lớn nhất của Chứng khoán SSI - Daiwa Securities Group Inc đã bán 15,3 triệu cp SSI (2,33%) và giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 15,67%. Cổ phiếu SSI gần đây lập đỉnh cao lịch sử và đã tăng gần 90% so với đầu năm.
Quỹ ngoại Access S.A., SICAV-SIF- ASIA TOP PICKS vừa đăng ký bán toàn bộ hơn 3,3 triệu cổ phiếu VND của CTCP Chứng khoán VNDIRECT. Cổ phiếu VND tăng gấp 5 lần trong 5 tháng qua. Trong đợt chào bán hồi tháng 6, tổ chức ngoại này đã mua thêm hơn 3,3 triệu cổ phiếu VND mới phát hành với giá 14.500 đồng/cổ phiếu. Hiện tại, giá cổ phiếu VND đang ở mức đỉnh lịch sử 52.000-53.000 đồng/cp.
Thị trường chứng khoán đang ở vào một giai đoạn khá nhạy cảm, với giá nhiều cổ phiếu đang ở đỉnh lịch sử. Nhiều tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước bán ra để chốt lời hoặc/và để phục vụ cho những chiến lược dài hơi của doanh nghiệp.
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán sôi động, nhiều ngân hàng cũng bán vốn tại các công ty con. Ngân hàng SHB của Bầu Hiển cho biết sẽ chuyển nhượng 100% vốn tại công ty tài chính SHB Finance cho Krungsri của Thái Lan. Trước mắt SHB sẽ chuyển nhượng 50% vốn điều lệ của SHB Finance cho Krungsri và sẽ tiếp tục chuyển nhượng 50% vốn còn lại sau 3 năm.
Biến động chỉ số VN-Index. |
Chỉ số chứng khoán VN-Index ngày 26/8
Chốt phiên sáng, chỉ số VN-Index tăng 2,84 điểm lên 1.312,39 điểm. HNX-Index tăng 3,12 điểm lên 339,13 điểm. Upcom-Index tăng 0,13 điểm lên 91,67 điểm. Thanh khoản đạt 10,6 nghìn tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục phân hóa và biến động ở mức rất nhỏ, tăng giảm một vài trăm đồng. Trong nhóm VN-30, Thế Giới Di Động tăng mạnh nhất, có thêm 1.900 đồng lên 163.400 đồng/cp. Vinamilk tăng 600 đồng lên 87.500 đồng/cp.
Phát Đạt giảm 1.700 đồng xuống 85.100 đồng/cp; Novaland giảm 1.200 đồng xuống 104.300 đồng/cp. Cổ phiếu VietJet quay đầu giảm 2.000 đồng xuống 125.000 đồng/cp sau nhiều phiên tăng trước đó.
Theo YSVN, VN-Index có thể sẽ kiểm định lại đường trung bình 5 ngày, tức là mức 1.320 điểm trong phiên kế tiếp. Đồng thời, thị trường có dấu hiệu bước vào giai đoạn tích lũy cho nên các chỉ số có thể sẽ tiếp tục biến động với biên độ hẹp. Điểm tiêu cực là thanh khoản duy trì ở mức thấp cho thấy dòng tiền vẫn chưa sẵn sàng quay trở lại thị trường. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục giảm cho thấy tâm lý ngắn hạn vẫn đang bi quan với diễn biến hiện tại.
Chốt phiên chiều 25/8, chỉ số VN-Index tăng 10,81 điểm lên 1.309,55 điểm. HNX-Index tăng 4,22 điểm lên 336,01 điểm. Upcom-Index tăng 0,35 điểm lên 91,49 điểm. Thanh khoản xuống thấp, trong cả ngày đạt 20,0 nghìn tỷ đồng trên cả 3 sàn. Riêng sàn HOSE đạt hơn 16,7 nghìn tỷ đồng.
V. Hà