Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 12/2023, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,33 tỷ USD, tăng 9,6% so với tháng 11/2023 và tăng 2% so với tháng 12/2022. Năm 2023, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 13,5 tỷ USD, giảm 15,9% so với năm 2022. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 9,2 tỷ USD, giảm 16,7% so với năm 2022.
Mặc dù xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng liên tiếp trong những tháng cuối năm, nhưng trị giá xuất khẩu năm 2023 vẫn giảm đáng kể, khi xuất khẩu từ đầu năm giảm mạnh.
Do tác động của suy thoái kinh tế và chính sách tiền tệ thắt chặt tại nhiều quốc gia, đặc biệt là tại các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, châu Âu, Trung Quốc đã khiến cho nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh. Mức độ lưu thông hàng hóa chững lại, tác động mạnh đến hoạt động xuất khẩu của nhiều ngành hàng; trong đó có ngành gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam.
Vì vậy, gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường chủ lực đều có xu hướng giảm đáng kể trong năm 2023. Dẫn đầu về trị giá xuất khẩu là thị trường Hoa Kỳ đạt 7,3 tỷ USD, giảm 15,6% so với năm 2022; tiếp theo là thị trường Trung Quốc đạt 1,7 tỷ USD, giảm 20,6%; Nhật Bản đạt 1,7 tỷ USD, giảm 11,6%; Hàn Quốc đạt 784,3 triệu USD, giảm 23,4%...
Tuy nhiên, xuất khẩu nhóm hàng này tới thị trường Ấn Độ lại ghi nhận tăng trưởng mạnh trong năm 2023.
Cụ thể, trong tháng 12/2023, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ sang thị trường này đạt hơn 14,8 triệu USD, tăng 290,8% so với tháng 12/2022. Tính chung cả năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sang Ấn Độ đạt gần 122 triệu USD, tăng 287,7% so với cùng kỳ năm 2022. Như vậy, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này tăng đều qua các tháng.
Dù tăng đột biến nhưng Ấn Độ chỉ chiếm 0,9% tỷ trọng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong năm 2023. Con số này đã tăng đáng kể so với 0,2% của năm 2022.
Hiện nay, cả nước có khoảng hơn 5.400 doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến đồ gỗ . Các sản phẩm gỗ của Việt Nam đã có mặt ở 140 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam đứng thứ 5 trên thế giới, thứ 2 châu Á và thứ nhất Đông Nam Á về kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ .
Triển vọng thương mại toàn cầu năm 2024 dự báo chưa thật khởi sắc, tiếp tục tác động không thuận tới hoạt động xuất khẩu của nhiều ngành hàng, trong đó có mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ .
Thách thức lớn nhất của ngành gỗ là chi phí vận chuyển liên tục tăng cao trong suốt 4 năm qua. Trong khi đó, xuất khẩu đồ gỗ phần lớn đi các thị trường xa như Mỹ, châu Âu, Trung Đông… Thông thường, cước vận tải biển chỉ tăng 5 -10%/năm, nhưng kể từ năm 2020 đến nay, giá cước vận tải tăng trung bình 200 - 300%, thậm chí có thời điểm tăng 500%, kèm theo việc tăng hàng loạt phụ phí như phí xếp dỡ hàng, lưu kho.
Mặc dù, hàng tồn kho tại các thị trường tiêu thụ chính có xu hướng giảm, nhưng đà phục hồi còn tương đối chậm, tiêu dùng toàn cầu vẫn chưa thấy sự phục hồi rõ nét.
Cùng với đó, ngành gỗ vẫn đối mặt với những thách thức như đơn hàng phải cạnh tranh và yêu cầu về mẫu mã, chất lượng ngày càng nâng cao.
Mặc dù còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng triển vọng của ngành gỗ vẫn có tín hiệu tích cực, cụ thể: Dù chưa trở lại được như những năm trước, tuy nhiên, một số doanh nghiệp đã nhận được đơn hàng cho đến hết quý I/2024.