Ngày 19.12, Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Hải Phòng) cho biết, đã có văn bản trả lời Sở NNPTNT Bình Định về việc đền bù và hỗ trợ thiệt hại cho các chủ tàu 67 hư hỏng, nằm bờ sửa chữa.
Tàu 67 được đóng tại Công ty TNHH Đại Nguyên Dương bị hư hỏng đưa lên đà sửa chữa. Ảnh tư liệu
Theo văn bản, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Nam Triệu đã báo cáo Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật về việc yêu cầu đền bù, hỗ trợ thiệt hại của ngư dân để xin chủ trương. Ngoài việc rà soát, thống kê các khoản đã bồi thường, hỗ trợ, Nam Triệu còn thông tin: đang tiến hành xây dựng kế hoạch, phương án chi tiết giải quyết hỗ trợ cho ngư dân đảm bảo có tình, có lý, đúng quy định và trên cơ sở hợp đồng kinh tế đã ký kết (dự kiến hoàn thành cuối tháng 1.2018).
Theo lãnh đạo Công ty, về việc sửa chữa tàu 67 bị hư hỏng tại Nhà máy đóng tàu Tam Quan (huyện Hoài Nhơn, Bình Định), hiện đã hoàn thành, bàn giao 9 chiếc cho các ngư dân Nguyễn Ảnh, Trần Kim Trung, Mai Trường, Nguyễn Công Đồng, Lê Hoài Thanh, Phan Lùn, Lê Ngô Hát, Nguyễn Công Quý, Phạm Minh Vương; 2 chiếc còn lại của Thái Văn Duyệt, Trần Đình Sơn, do ngư dân muốn “chọn ngày tốt” nên dự kiến hạ thủy ngày 23 - 24.12.
Tại Nhà máy đóng tàu Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa), tàu của các ngư dân Trần Văn Hạo, Trương Hoài Khánh, Đinh Công Khánh, Lê Văn Thãi đang được sửa chữa, kế hoạch hạ thủy dự kiến từ 24 - 30.12. Trong đó, 4 máy chính hãng Mitsubishi S6R2 MPTK 940HP đã được cơ quan chức năng kiểm tra, sẵn sàng cho việc lắp đặt, thay mới.
Tàu đóng tại Công ty TNHH MTV Nam Triệu đang được sửa chữa. Ảnh tư liệu
Công ty TNHH MTV Nam Triệu cho rằng, tiến độ sửa chữa chậm là do máy chính hỏng, tàu đến Cam Ranh chậm, mất thời gian đáp ứng thủ tục đảm bảo an toàn cháy nổ, thủ tục pháp lý ký chuyển tiền chậm. Bên cạnh đó do mưa nhiều, ảnh hưởng bão số 12, thời tiết không tốt nên không thể sơn theo kịp tiến độ.
“Ngư dân bị thiệt hại là có thật, chúng tôi chia sẻ với bà con. Quan điểm của Công ty là cái gì chính đáng thì sẽ xem xét bồi thường, hỗ trợ hợp tình, hợp lý”, ông Bùi Hữu Hùng - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Triệu nói.
Theo ông Hùng, cùng với việc xem xét bồi thường cho ngư dân, Công ty Nam Triệu sẽ buộc Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Hoàng Gia Phát tại TP Hồ Chí Minh (đơn vị cung cấp máy cho Nam Triệu) phải đền bù cho Công ty.
“Công ty Hoàng Gia Phát làm sai hợp đồng nên phải chịu trách nhiệm về thiệt hại. Về nguyên tắc, Hoàng Gia Phát phải thanh toán lại tiền cho Nam Triệu để mua máy mới lắp cho tàu của ngư dân. Hiện nay, Hoàng Gia Phát kêu khó khăn, chưa thanh toán lại tiền mua máy. Chúng tôi sẽ đề nghị cơ quan chức năng có biện pháp mạnh đối với Công ty này”, ông Hùng cho hay.
Ngư dân Bình Định yêu cầu doanh nghiệp bồi thường liên quan đến sự cố tàu nằm bờ
Liên quan đến việc bồi thường cho ngư dân, ông Trần Châu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho rằng, Công ty TNHH Đại Nguyên Dương từ chối việc bồi thường cho ngư dân là không đúng luật. Tỉnh Bình Định sẽ mời doanh nghiệp này vào làm việc một lần nữa, để có hướng xử lý tiếp theo.
“Công ty Đại Nguyên Dương lấy lý do khó khăn để không bồi thường cho ngư dân là không thể chấp nhận được. Trong lần làm việc sắp tới, nếu Công ty vẫn tiếp tục từ chối bồi thường thì tỉnh cùng các cơ quan chức năng địa phương sẽ hỗ trợ ngư dân khởi kiện ra tòa án. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ đề nghị Bộ Công an điều tra, xử lý hình sự đối với Công ty Đại Nguyên Dương, chứ không thể đẩy ngư dân vào tình thế khó khăn rồi phủi trách nhiệm được”, ông Châu khẳng định.
Trước đó, Sở NNPTNT Bình Định đã có văn bản gởi Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Bộ Công an), Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) về yêu cầu đền bù thiệt hại đối với 19 chủ tàu vỏ thép do hai công ty này vừa đóng mới đã bị hư hỏng. Theo đó, 14 chủ tàu đóng tại Công ty TNHH MTV Nam Triệu yêu cầu doanh nghiệp đền bù, hỗ trợ với số tiền hơn 36,5 tỷ đồng, 5 chủ tàu đóng tại Công ty TNHH Đại Nguyên Dương yêu cầu hơn 9 tỷ đồng. |