Từng đua nhau chọn vị trí mặt bằng đẹp để thúc đẩy kinh doanh, những doanh nghiệp thời gian qua từ lớn đến bé đều lao đao vì dịch Covid-19. Bởi, doanh thu thu hẹp vì giãn cách trong khi gánh nặng chi phí vẫn hiện hữu, đặc biệt chi phí thuê mặt bằng.
Liên tục gửi đơn kêu gọi chủ cho thuê giảm, giãn, miễn chi phí thuê tại những cửa hàng phải tạm đóng cửa, nhiều mặt bằng thậm chí được hoàn trả tất toán vì chủ kinh doanh không thể tiếp tục cầm cự giữa đại dịch Covid-19 còn nhiều phức tạp trên toàn thế giới và cả Việt Nam vì chưa có vắc xin chính thức.
Chúng ta nghe rất nhiều về những lời "kêu cứu" từ cá nhân đến tập thể kinh doanh trước ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh, song đằng sau đó còn là gánh nặng của những chủ cho thuê: khi đối tác khó khăn kéo theo nhiều mặt bằng bị trả lại, nhiều đơn vị đang theo dõi để điều chỉnh giảm chỉ tiêu 2020 tương ứng với tình hình thực tế.
Tâm sự của những chủ cho thuê mặt bằng
Chia sẻ với chúng tôi, bà Tạ Thị Thu Hằng - Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư và Cho thuê Tài sản TNL (thành viên của Tập đoàn TNG Holdings Vietnam) – cho hay sẽ phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2020. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn còn khá phức tạp, do đó chỉ tiêu cụ thể thay đổi như thế nào phía Công ty vẫn chưa có công bố chính thức.
Được biết, kinh doanh bất động sản là mảng chiến lược của TNG Holdings. Bên cạnh việc quản lý, cho thuê các tòa nhà, mặt bằng kinh doanh, Tập đoàn cũng hoạt động trong lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng, khu công nghiệp...
"Chúng tôi sẽ làm việc với từng khách hàng, nghe nguyện vọng và đánh giá khó khăn của họ, đánh giá về mức độ ảnh hưởng đối với khách hàng, từ đó đưa ra giải pháp với từng đối tượng khách hàng và từng thời điểm", bà Hằng nói. Thời gian qua, đồng hành với khách hàng, TNL cũng đã tiến hành giãn tiến độ thanh toán tiền thuê, thay đổi kỳ thanh toán để khách hàng cảm thấy không quá áp lực. Bên cạnh đó, Công ty cũng hỗ trợ từ 20-50% giá thuê.
Hay một đơn vị cung cấp diện tích kinh doanh cho các startup – đối tượng bị tổn thương nhất trước dịch Covid-19, đại diện Công ty WinHome cũng tâm sự thời gian qua việc các doanh nghiệp trong hệ thống tòa nhà chịu tác động do dịch đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả kinh doanh WinHome.
Bà Lê Thị Kim Thoa - Giám đốc quản lý vận hành WinHome phân trần: "Việc giãn tiền thuê để hỗ trợ đối tác hiện tại đang gây ra sự ảnh hưởng khiến chỉ tiêu kinh doanh và mục tiêu mở rộng số lượng tòa nhà của WinHome thay đổi để thích nghi với thị trường sau dịch. Chúng tôi đang nỗ lực để đảm bảo nguồn lực tốt nhất sẵn sàng phục vụ khách hàng, ngược lại khó khăn cùng là cơ hội để chúng tôi phát huy năng lực".
Được biết, Win Home thành lập vào năm 2014 với nhân sự khá trẻ thuộc thế hệ 8X-9X, Công ty thời ban đầu tiến hành ‘gom’ những tay chơi văn phòng cho thuê nhưng chưa thành công. Sau đó kết hợp cung ứng dịch vụ và kinh doanh văn phòng cỡ nhỏ (chỉ từ 15-25 m2) dưới hình thức "thuê và cho thuê lại". Từ 5-7 tầng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ, lựa chọn phân khúc hạng C để khởi nghiệp, sau 5 năm Win Home hiện quản trị hệ thống 45 tòa, cung cấp 50.000 m2 diện tích văn phòng cho thuê tại khắp 12 quận thành Tp.HCM, tỷ lệ lấp đầy hơn 90%.
Chia sẻ thêm về tình hình kinh doanh sau giãn cách, vị này cho biết hiện các doanh nghiệp đã bắt đầu khởi động lại, 100% khách hàng doanh nghiệp thuộc các ngành không chịu ảnh hưởng trực tiếp đã quay lại công sở với ý thức phòng chống dịch khá tốt.
Thị trường cho thuê bất động sản rớt giá mạnh quý 1/2020, so với mức đỉnh vừa thiết lập cuối năm 2019
Thực tế, thị trường bất động sản cho thuê đã và tiếp tục "ngấm đòn" Covid-19. Theo quan điểm giới trong ngành, những năm trước đây lợi tức cho thuê căn hộ khoảng 6-7%/năm thì hiện nay con số chỉ còn 4,5-5%. Chưa kể, chủ nhà phải trừ đi thuế, phí môi giới, chi phí sửa chữa, tỷ lệ bỏ trống bình quân 10-15%/năm: Điều này càng tác động khiến đầu tư căn hộ cho thuê không còn hấp dẫn trong bối cảnh nguồn cung tăng liên tục.
Thống kê quý đầu năm 2020, thị trường căn hộ cho thuê rớt giá do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều khách thuê kinh doanh nhà hàng sau khi cân nhắc về doanh thu và chi phí vận hành đã phải quyết định dừng kinh doanh, trả mặt bằng khi hết hợp đồng. Trong khi một số vẫn tiếp tục duy trì kinh doanh giữ chỗ thì hoặc tạm dừng hoạt động hoặc thương thảo với chủ nhà để giảm giá thuê. So sánh với con số cuối năm 2019, giá thuê văn phòng tại Tp.HCM cao nhất thập kỷ với tỷ lệ tăng trưởng 7,4% theo năm và tăng 1,1% theo quý, đạt mức cao kỷ lục với 29,1 USD/m2, theo JLL Việt Nam.
Khảo sát mới nhất của CBRE - thực hiện vào ngày 9-10/4/2020 trên 180 người người về tác động Covid-19 - cũng ghi nhận:
+ 79% khách thuê tham gia khảo sát lo ngại môi trường kinh doanh sáu tháng cuối năm sẽ trở nên xấu hơn.
+ 43% khách thuê tham gia khảo sát cho rằng doanh thu sẽ giảm từ 10% đến 30% trong năm 2020.
+ 61% khách thuê tham gia khảo sát chưa được nhận các hỗ trợ từ chủ nhà
+ 27% khách thuê tham gia khảo sát mong đợi các chủ nhà hỗ trợ nhiều hơn vì hoạt động kinh doanh của khách thuê đang bị ảnh hưởng nặng từ COVID-19.
Một số giải pháp ứng phó, Savills khuyến cáo chủ nhà cung cấp giá thuê giảm giá từ 10-20% so với giá cuối năm 2019 hoặc linh hoạt cho thuê theo diện tích khách thuê mong muốn, thay vì bắt buộc thuê nguyên căn. Đối với các nhà phố đang cho thuê, nhiều chủ nhà cũng có những động thái thương lượng hỗ trợ khách thuê về giá thuê; như một số chủ nhà chấp nhận miễn phí ít nhất 1 tháng thuê đến khách thuê kinh doanh nhà hàng hay giảm 30-50% giá thuê trong ngắn hạn đối với khối kinh doanh cửa hàng tiện ích.